Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Sẽ bắt đầu thoái vốn Nhà nước tại Vinamilk ngay trong năm nay

Lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định, cơ quan chức năng sẽ thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ngay trong năm nay và 9 doanh nghiệp lớn khác vào đầu năm 2017.

Đây là thông tin vừa được ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nêu lên trong buổi trả lời báo chí chiều 14/9.

Chưa tiết lộ phương án bán vốn cụ thể tại Vinamilk, ông Tiến cho hay, phía Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang xây dựng phương án cụ thể để báo cáo Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, theo ông, đây là quá trình phải làm cẩn thận để tránh ảnh hưởng tới thị trường, bởi có thể nhà đầu tư sẽ tập trung hết vào Vinamilk.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, quy mô của Vinamilk rất lớn với giá trị niêm yết của riêng phần vốn Nhà nước tại đây vào khoảng gần 100.000 tỷ đồng. Bởi vậy, việc bán ra thị trường có thể không chỉ thực hiện một lần mà phải nhiều lần.

Theo ông, Vinamilk là thương hiệu có giá trị bởi khả năng quản trị tốt cũng như luôn đổi mới, sáng tạo. Hiện tại, thương hiệu này không chỉ ở Việt Nam mà là tầm khu vực.

Bởi vậy, với Vinamilk, ông cho rằng, ngoài nhà đầu tư trong nước, cơ quan chức năng phải kêu gọi của nhà đầu tư nước nước ngoài.

Trước đó, cuối năm 2015, Chính phủ đã yêu cầu phía SCIC "chọn thời gian thích hợp" để thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp là: Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh, Tông Công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Viễn thông FPT.

Trong số trên, riêng tại Vinamilk, tỷ lệ vốn Nhà nước đang nắm giữ là 45,1%./.

Theo Xuân Dũng

Vietnam+

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét