Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Ông chủ dự án “Lên trời gọi mưa” xin tạm ứng khẩn 5.000 tỷ để thử nghiệm

Công ty An Sinh Xanh đã đề nghị Chính phủ có hình thức cho dự án “Lên trời gọi mưa” tạm ứng khẩn 5.000 tỷ đồng để kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hoá chất thử nghiệm đợt 1 vào 10/10/2016 tại Đà Nẵng.

Trước đề xuất của Tổng giám đốc Phan Đinh Phương, Công ty An Sinh Xanh (Đà Nẵng) liên quan đến dự án “Lên trời gọi mưa”, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị 7 bộ cùng tham gia. Tiếp đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có công văn chỉ đạo Công ty An Sinh Xanh liên hệ với 7 bộ để triển khai theo 7 lĩnh vực quản lý Nhà nước.

Trường hợp có những nội dung vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

“Cha đẻ” của dự án này cho biết, ý tưởng của dự án xuất phát từ việc ông thấy người dân khốn khổ khi ruộng đồng nứt nẻ, lúa chết khô.

Trao đổi trên báo chí, ông Phương cho biết, khi thấy tình trạng ruộng đồng nứt nẻ, lúa chết kho, ông quyết định bắt mây phải mưa để người dân có nước chống hạn từ việc vận dụng kiến thức phun nước ở cầu Rồng.

Việt Nam có ưu thế lớn là nhiều núi nên sẽ sử dụng núi để gọi mưa thậm chí trong điều kiện thời tiết trời trong veo vẫn có nước, có thể sử dụng i-ốt bạc hoặc chất hoá học khác mà Việt Nam sản xuất được để nước dịch lại với nhau, dần dần sẽ to dần và tạo thành mưa.

Đối với việc chống ngập lụt, công nghệ này sẽ chặn cho mây vào đất liền bằng cách sẽ hút nước biển phun lên cho mấy ướt tạo thành mưa rớt xuống biển.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các ngành chức năng, ông Phương cho biết, công ty đã nghiên cứu nâng cấp dự án theo hướng lập 1.000 trạm điều tiết mưa, khi gió đưa qúa nhiều mây từ biển vào đất liền thì 100 trạm chủ động đón mây gây mưa ngay trên vịnh Bắc Bộ để giảm mây bay vào, giảm ngập lụt tắc đường cho các thành phố.

400 trạm điều tiết mưa đúng nơi đúng lúc cho 63 tỉnh thành có đủ nước phục vụ nông lâm ngư nghiệp, 500 trạm trên hàng ngàn sông suối và hồ thuỷ điện rừng núi phía Bắc và dãy Trường Sơn để gây mưa, tạo lập hệ thống đê kè giữ nước ngọt, chống xâm nhập mặn đảm bảo nước cho thuỷ điện thuỷ lợi và các vựa lúa đồng bằng Bắc Trung Nam bộ.

“Đây là lần đầu tiên Việt Nam tác động vào thiên nhiên để điều chỉnh thời tiết liên quan đa ngành đa cấp đa lĩnh vực đa luật lệ vì vậy để khởi sự đúng tầm dự án đề nghị Thủ tướng xem xét chủ trì cuộc họp với 7 bộ và công ty để giới thiệu dự án”, ông Phương cho biết trong văn bản. Thậm chí, tại văn bản này, ông Phương cũng đề xuất thời gian họp dự kiến khoảng 15-25/9 này.

Mặc dù cho biết, chưa thể tính đúng tính đủ chi phí với đa phần thiết bị bay phải nhập ngoại, ông Phương cũng đã “tạm ứng khẩn 5.000 tỷ đồng” để kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hoá chất thử nghiệm đợt 1 vào 10/10/2016 tại Đà Nẵng và có vốn để tiếp tục triển khai trong năm 2016-2017.

Vị Tổng giám đốc này cũng tự tin cho biết “sẽ đem hết trí lực cùng Chính phủ và 7 bộ thực hiện thắng lợi dự án, hiện thực hóa sự nghiệp cải tạo thiên nhiên, bình ổn khí hậu với hiệu quả kinh tế và nhân văn toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực và bền vững cho đất nước và nhân dân”.

Theo Nguyễn Thảo

BizLIVE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét