Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Hoàng Anh Gia Lai vẫn đứng thứ 16 danh sách thương hiệu giá trị nhất Việt Nam

Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đã được Brand Finance công bố được ghi nhận đạt 7,26 tỷ USD. Trong đó, đứng đầu là Vinamilk, kế đến là Viettel, PetroVietnam, MobiFone...

Đó là thông tin được Brand Finance đưa ra khi chính thức công bố Danh sách Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2016.

Đây là năm thứ 2 Brand Finance – Công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới phối hợp với Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand công bố danh sách này tại Việt Nam, ghi nhận những sự phát triển và tăng trưởng của các thương hiệu dẫn đầu Việt Nam.

Ông Samir Dixit – Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Năm 2016 ghi dấu những tiến bộ vượt bậc của các doanh nghiệp Việt. Rất nhiều cứ bứt phá ngoạn mục trên bảng xếp hạng cho thấy nhận thức của các doanh nghiệp Việt về giá trị thương hiệu nói riêng và giá trị vô hình nói chung đang ngày càng phát triển.

Góp mặt trong Top 50 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam phần lớn là những cái tên quen thuộc như Vinamilk, Viettel Telecom, Mobifone, Vinhomes, FPT, Bảo Việt…

Trong đó, Vinamilk tiếp tục duy trì vị trí thương hiệu mạnh nhất Việt Nam, tuy nhiên, giá trị thương hiệu của hãng sữa này đã giảm 11% so với năm ngoái, chỉ còn 1,13 tỷ USD.

Đứng thứ 2 là Viettel với giá trị thương hiệu đạt 973 triệu USD, tăng 68%. PetroVietnam đạt 564 triệu USD, đứng thứ 3 và thứ 4 là Mobifone, đạt 539 triệu USD, tăng trưởng tới 76%.

Có 12 cái tên mới gia nhập danh sách, trong đó Sabeco vừa gia nhập Top 50 thương hiệu mạnh Việt Nam đã leo lên vị trí thứ 6. Những cái tên mới khác gồm Vietnam Airlines, Ô tô Trường Hải, VinCommerce, Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh…

Bất ngờ trong danh sách này là cái tên Hoàng Anh Gia lai vẫn duy trì vị trí thứ 16, với giá trị thương hiệu đạt 101 triệu USD.

Tổng toàn bộ giá trị thương hiệu của Top 50 Việt tăng 39% trong một năm, tập trung ở những thương hiệu hàng đầu. Theo Brand Finance, tốc độ tăng trưởng trung bình của từng thương hiệu trong Top 50 là 20%, vượt xa các công ty thuộc các nước trong khối ASEAN vốn có tốc độ tăng trưởng ổn định hoặc âm.

Tại Singapore, tốc độ tăng trưởng giá trị trung bình của Top 50 thương hiệu mạnh nhất chỉ ở mức 1%. Mức độ tăng trưởng này ở Malaysia là -6%, và ở Indonesia là -10%. Theo ông Samir Dixit, có sự thay đổi trong bảng xếp hạng có có nhiều thương hiệu hoạt động kinh doanh tốt hơn, đồng thời đơn vị này cũng thu thập được nhiều hơn thông tin từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn nhận về tầm quan trọng của thương hiệu với doanh nghiệp Việt Nam, ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty tư vấn Thương hiệu Mibrand – Đại diện của Brand Finance tại Việt Nam đánh giá: “Trước đây và cả hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa ý thức được đầy đủ giá trị tài sản vô hình là thương hiệu và đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội trong quá trình mua bán sáp nhập, khi mà giá trị thương hiệu chưa được tính toán đầy đủ vào giá trị thương vụ".

Trong khi đó, ông Samir thì đưa ra cảnh báo, giá trị thương hiệu được nâng lên nhưng đừng nên ngủ quên trên chiến thắng, đừng quá tự tin vào kết quả này. Vì 12 thương hiệu nằm trong Top 50 năm ngoái đã bị thay thế bởi đối thủ. Các đối thủ rất mạnh và có thể khiến doanh nghiệp rời khỏi bảng xếp hạng”.

Đây là bảng xếp hạng duy nhất có phương pháp định giá thương hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn của ISO (ISO 10668 về tiêu chuẩn định giá), giá trị thương hiệu do Brand Finance công bố được phép sử dụng với cơ quan thuế, kiểm toán và sử dụng trong các cuộc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Do đó, chứng nhận của Brand Finance dành cho các thương hiệu trong Top 50 mang rất nhiều giá trị thiết thực.

C. An

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Sabeco xin niêm yết trên sàn HOSE

Trên cơ sở xem xét các tiêu chuẩn niêm yết đối với doanh nghiệp, quy mô, uy tín và mức độ thanh khoản và sự quan tâm của giới đầu tư giữa 2 sở giao dịch chứng khoán, Sabeco đã lựa chọn Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) để niêm yết.

Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa chính thức có công văn gửi lên Bộ Công Thương đề xuất chấp thuận việc Sabeco thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE thời gian tới.

Theo công văn này, căn cứ theo các quy định hiện hành thì Sabeco đã đủ điều kiện và cần thực hiện niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán. Trên cơ sở xem xét các tiêu chuẩn niêm yết đối với doanh nghiệp, quy mô, uy tín và mức độ thanh khoản và sự quan tâm của giới đầu tư giữa 2 sở giao dịch chứng khoán, Sabeco đã lựa chọn sàn HOSE để niêm yết.

Về thời gian niêm yết, Sabeco cho biết sẽ chủ động thực hiện làm việc với các đơn vị tư vấn niêm yết và thoả thuận về mặt nguyên tắc. Được biết, hiện Sabeco đang thực hiện thương thảo, và dự kiến sẽ kí hợp đồng tư vấn niêm yết với Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng trước ngày 20/9.

“Căn cứ quy định về niêm yết theo Quy chế niêm yết tại HOSE và kết quả làm việc sơ bộ với đơn vị Tư vấn niêm yết thì quy trình và việc triển khai các công việc cần thiết để niêm yết cổ phiếu ước tính sẽ mất 2 tháng tính đến thời điểm được phê duyệt và cấp giấy phép niêm yết”, Sabeco cho biết thêm.

Trước đó, trong một văn bản phản hồi về những kiến nghị của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), Bộ Công Thương từng cho biết theo Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước SCIC, Sabeco không thuộc đối tượng phải chuyển giao sang SCIC sau khi cổ phần hoá.

Về việc niêm yết trên sàn chứng khoán, Bộ Công Thương cũng nhận thấy việc chậm xin phép Chính phủ cho Sabeco niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán là chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Thời gian tới, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ xem xét cho Sabeco được niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán HOSE.

Cuộc làm việc mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch và đảm bảo lợi ích nhất cho nhà nước.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi tiến hành bán cổ phần tại các doanh nghiệp, phải đấu giá cạnh tranh, không phân biệt đối tác trong nước và nước ngoài, giá trị quyền sử dụng đất tính riêng. Đồng thời, có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia sau khi bán vốn nhà nước.

Theo dự kiến, việc bán 89,59% vốn nhà nước tại Sabeco có giá trị khoảng 1,8 tỷ USD sẽ được chia bán trong 2 đợt vào năm 2016 và 2017. Sabeco đang chiếm lĩnh hơn 45% thị phần bia với các thương hiệu như bia 333 hay bia Sài Sòn.

Theo Nguyễn Thảo

BizLIVE

Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Đạm Ninh Bình lỗ lớn, Vinachem đề xuất chuyển 2.700 tỷ nợ vay thành vốn góp

Vinachem đề nghị khoanh khoản vay của Dự án cải tạo – mở rộng nhà máy Phân đạm Hà Bắc tại Ngân hàng phát triển Việt Nam với dư nợ tính đến 29/02/2016 là 3.957 tỷ đồng trong thời gian 5 năm.

Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa có một loạt đề nghị đối với Bộ Công thương để kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ những giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh doanh của các công ty mà Vinachem quản lý.

Một trong số đó là đề nghị cho phép chuyển nợ vay tại Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) cho dự án nhà máy đạm Ninh Bình thành vốn đầu tư của Nhà nước tại tập đoàn, với số tiền là 2.708 tỷ đồng. Đây là số dư nợ gốc đến thời điểm 29/02/2016 tại VDB, bao gồm 2.669 tỷ đồng tiền VND và 1,7 triệu USD.

Trong trường hợp không được chuyển nợ thành vốn góp, Vinachem đề nghị cho phép khoanh nợ khoản vay tại VDB trong thời gian 5 năm (từ 2016 đến 2020), không trả nợ gốc và không tính lãi phát sinh trong 5 năm.

Vinachem cũng có đề nghị như vậy với khoản nợ vay của DA nhà máy Đạm Ninh Bình tại Ngân hàng Eximbank Trung Quốc.

Tiếp tục xin "cứu", Vinachem đề nghị khoanh khoản vay của Dự án cải tạo – mở rộng nhà máy Phân đạm Hà Bắc tại Ngân hàng phát triển Việt Nam với dư nợ tính đến 29/02/2016 là 3.957 tỷ đồng trong thời gian 5 năm.

Về lãi suất, Vinachem cũng đề nghị cho phép điều chỉnh giảm lãi suất đối với toàn bộ dư nợ gốc vay tại VDB cho DA Đạm Ninh Bình (371,74 tỷ đồng) và Dự án cải tạo – mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc (3.044 tỷ đồng) có lãi suất trên 8,55%/năm về mức 8,55%. Riêng công ty Đạm hà Bắc được giãn trích khấu hao 50% cho năm 2016, 2017 và 30% cho năm 2018.

Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, từ khi đi vào hoạt động đến hết tháng 6/2016, Đạm Ninh Bình đã lỗ tổng cộng gần 2.700 tỷ, còn nợ tính đến cuối 2015 là hơn 8.300 tỷ đồng. "Người anh em" Đạm Hà Bắc cũng là một gương mặt thua lỗ nặng. Riêng trong năm 2015, doanh nghiệp này lỗ 665 tỷ đồng.

Mai Linh

Theo Trí thức trẻ/Vinachem

Đọc tiếp »

Bầu Đức: Lên kế hoạch bán 20.000 ha cao su thu về 8.000 tỷ

Bầu Đức cho biết để giảm áp lực nợ vay, tập đoàn đang tính đến việc sẽ bán đi 20.000 ha cao su tại Lào và hiện đã có một số đối tác Trung Quốc quan tâm, tìm hiểu.

Tại ĐHCĐ năm 2016 của HAGL và HAGL Agrico diễn ra vào ngày 15/9/2016, vấn đề được nhà đầu tư quan tâm nhất chính là tái cơ cấu nợ của HAGL. Tính tới 30/6/2016, tổng nợ phải trả của HAGL đã lên tới 33.000 tỷ đồng, tương đương 65% tổng tài sản Tập đoàn.

HAGL cho biết tập đoàn sẽ tiếp tục làm việc với các chủ nợ để đạt được mục đích cơ cấu lại thời hạn trả nợ bằng cách đưa lãi suất về mức hợp lý; giãn thời hạn trả nợ gốc và lãi vay. Cùng với việc xin gia hạn, HAGL cũng cân nhắc thanh lý một số tài sản trong bối cảnh nợ cao như hiện nay để tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi, hiệu quả.

Lên kế hoạch bán 20.000 ha cao su tại Lào cho đối tác Trung Quốc, thu về 8.000 tỷ đồng

Theo ông Đoàn Nguyên Đức – chủ tịch HĐQT HAGL thì tập đoàn đang cân nhắc để năm 2017 sẽ giải quyết nợ một cách cơ bản. Bầu Đức cho biết để giảm áp lực nợ vay, tập đoàn đang tính đến việc sẽ bán đi 20.000 ha cao su tại Lào và hiện đã có một số đối tác Trung Quốc quan tâm, tìm hiểu. Cũng theo Bầu Đức, nếu bán đi diện tích đất cao su này thì số tiền HAGL thu về là tối thiểu 8.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, vị chủ tịch HAGL cũng cho rằng đây chỉ là một tình huống giải pháp nếu HAGL không được sự hỗ trợ của Chính phủ và ngân hàng trong vấn đề cơ cấu nợ vay.

“HAGL Agrico đang cân nhắc để năm 2017 sẽ giải quyết nợ một cách cơ bản và tập đoàn cũng đang chờ phương án tái cấu trúc của Chính phủ và ngân hàng. Hai trường hợp có thể xảy ra, nếu Nhà nước hỗ trợ HAGL tái cấu trúc thì cơ bản Tập đoàn không phải bán gì. Còn nếu có trục trặc sẽ bán 20.000 ha cao su, chúng tôi đã gặp nhiều đối tác Trung Quốc xem xét, nghiên cứu", ông Đức thông tin tại đại hội.

Bán mía đường cho Thành Thành Công, có khả năng bỏ bò sữa, chỉ làm bò thịt

Bầu Đức cho biết, HAGL đã lên kế hoạch bán đi mảng mía đường, một số dự án thủy điện tại Lào, phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược nhằm mục đích giảm nợ. Ước tính, HAGL sẽ thu về khoảng 6.000 tỷ đồng từ những phương án trên.

Theo Bầu Đức, HAGL hiện đang thương lượng bán mảng mía đường cho tập đoàn Thành Thành Công. Còn về thủy điện, mặc dù đây là ngành kinh doanh tốt, mang về dòng tiền ổn định nhưng do Tập đoàn dùng tiền vay nợ để thực hiện dự án nên sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh HAGL đang nợ “ngập đầu” như hiện nay.

Ngoài ra, mảng bò sữa nhiều khả năng cũng không còn nằm trong kế hoạch dài hạn của HAGL bởi hiệu quả không quá cao. Trong khi đó, đầu tư bò sữa khá dài hạn mà tập đoàn đang có kế hoạch tái cấu trúc, thu hẹp các khoản đầu tư.

Theo kế hoạch, mảng nông nghiệp của HAGL thời gian tới sẽ chỉ còn tập trung vào 3 trụ cột chính là dầu cọ, cao su và bò thịt.

Hoàng Anh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Ban lãnh đạo chủ chốt của FPT quá già so với các công ty, tập đoàn công nghệ Việt

Dù có chủ trương trẻ hóa nhưng Hội đồng quản trị của FPT toàn những người già với độ tuổi trung bình lên tới gần 60, cao hơn rất nhiều so với độ tuổi trung bình của bộ máy lãnh đạo trong các công ty, tập đoàn công nghệ Việt.

Bài hát “Time to say googbye” (tạm dịch: Đã đến lúc nói lời chia tay) được trình diễn trong hội diễn văn nghệ tập đoàn FPT nhân kỷ niệm 28 năm thành lập đang thu hút nhiều sự chú ý sau khi xuất hiện trên Internet. Nội dung bài hát thúc giục ông Trương Gia Bình về hưu ở tuổi 60, nhường vị trí lãnh đạo cho những người trẻ hơn. Không đơn thuần là ca khúc giải trí, bài hát còn phản ánh một thực trạng trong bộ máy lãnh đạo tối cao toàn những người “quá già” của Tập đoàn FPT.

Trong Hội đồng quản trị của FPT, ba nhân vật chủ chốt, quyết định toàn bộ chiến lược của FPT đều đã 59, 60 tuổi. Độ tuổi trung bình của các thành viên Hội đồng quản trị FPT là 58,2 trong khi mũi nhọn phát triển của tập đoàn là công nghệ, lĩnh vực rất cần đóng góp của người trẻ tuổi.

Đối với Ban giám đốc của Tập đoàn FPT, độ tuổi trung bình của Tổng giám đốc và các Phó tổng là 50,6. Trong đó người trẻ nhất là ông Nguyễn Thế Phương 39 tuổi. Năm 2010, FPT có Tổng giám đốc 40 tuổi, ông Trương Đình Anh. Nhiều người kỳ vọng ông Trương Đình Anh sẽ tạo ra làn gió mới cho FPT nhưng chỉ 18 tháng sau, vị Tổng giám đốc này đã rời bỏ HĐQT công ty vì “không thể thống nhất được ý chí của FPT”.

Trong khi FPT đang ngày càng già nua, tập đoàn này vẫn phải đương đầu với sự cạnh tranh từ các công ty, tập đoàn công nghệ khác với bộ máy lãnh đạo trẻ hơn rất nhiều, trong đó có Công ty VNG. Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh sinh năm 1977. Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc thường trực kiêm thành viên HĐQT - Vương Quang Khải sinh năm 1979. Đây cũng là 2 nhân sự quan trọng nhất của VNG.

So với các lãnh đạo chủ chốt tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), độ tuổi của lãnh đạo FPT cũng cao hơn rất nhiều dù một bên là tập đoàn tư nhân và một bên là Nhà nước. Cụ thể, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel, sinh năm 1962 trong khi CEO FPT Bùi Quang Ngọc sinh năm 1956. Ông Hùng được cơ cấu vào vị trí Tổng giám đốc Viettel nhiều năm trước khi đảm trách vị trí này năm 2013.

Tại Viettel, ba nhân sự được đưa vào diện quy hoạch cho vị trí Tổng giám đốc và nắm 3 mảng kinh doanh chủ chốt của tập đoàn này, cũng có độ tuổi trẻ hơn rất nhiều so với FPT. Phó TGĐ Nguyễn Đình Chiến sinh năm 1969; Phó TGĐ Đỗ Minh Phương sinh năm 1969 và Phó TGĐ Tào Đức Thắng sinh năm 1973.

So sánh với thế giới, bộ máy lãnh đạo của FPT càng thể hiện rõ sự già nua. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Facebook, Mark Zuckerberg, sinh năm 1984 trong khi Tổng giám đốc của Google là Sundar Pichai, sinh năm 1972. Người già có kinh nghiệm nhưng lĩnh vực công nghệ cần lãnh đạo trẻ để tạo ra đột phá, nhất là trong bối cảnh lĩnh vực này phát triển liên tục không ngừng nghỉ.

Linh Anh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Đá Spilit (SPI): Ông Nguyễn Đại Quyền từ chức Chủ tịch HĐQT

HĐQT của Đá Spilit đã chấp thuận đơn từ chức Chủ tịch HĐQT công ty của ông Nguyễn Đại Quyền.

CTCP Đá Spilit (mã chứng khoán SPI) vừa công bố thông tin bất thường. Theo đó, HĐQT công ty đã chấp nhận đơn từ chức Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Đại Quyền từ 12/9/2016. Ông Nguyễn Đại Quyền vẫn giữ tư cách Thành viên HĐQT. Ông Nguyễn Đại Quyền được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT đá Spilit từ tháng 2/2015.

HĐQT cũng thống nhất bổ nhiệm ông Đoàn Quốc Khánh, Thành viên HĐQT, lên làm Chủ tịch HĐQT từ 12/9/2016.

Thời gian miễn nhiệm và bổ nhiệm chính thức được tính khi có quyết định chấp thuận của ĐHCĐ thường niên sớm nhất.

Ngay trước khi có quyết định từ chức, ông Nguyễn Đại Quyền đã bán hết 1,06 triệu cổ phiếu SPI đang nắm giữ kể cả khi cổ phiếu SPI đang lao dốc, giảm 70% giá trị kể từ đầu năm. Không chỉ có ông Quyền, mà ông Đoàn Quốc Khánh, người vừa được bầu lên thay thế ông Quyền làm Chủ tịch HĐQT, cũng vừa bán ra 2 triệu cổ phiếu SPI trong cùng thời gian với ông Quyền để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Trước đó nữa, ông Khánh đã bán đi 1,4 triệu cổ phiếu dù SPI đã giảm sàn 6 phiên liên tiếp ở thời điểm đó.

Cổ phiếu SPI từng được xem là “cổ phiếu điên nhất” trong 5 tháng đầu năm 2016. Khi tăng một mạch từ 2.000 đồng lên 13.100 đồng/cổ phiếu. Và lại sắp lấy thêm được danh hiệu khác nữa khi chỉ trong mấy tháng ngắn ngủi đã lại giảm xuống mức 3.600 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Thái Phương

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Vietjet hoãn kế hoạch IPO tại nước ngoài

Hãng hàng không giá rẻ Vietjet cho biết những vấn đề xung quanh việc phát hành cổ phiếu ở nước ngoài khiến IPO của hãng không diễn ra theo đúng kế hoạch.

Theo tờ Financial Times, Vietjet đã hoãn kế hoạch IPO ở Singapore hoặc Hồng Kông bởi những vấn đề liên quan tới thủ tục pháp lý. Vietjet là công ty đầu tiên của Việt Nam lập kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở thị trường nước ngoài và một trong hai thị trường chứng khoán lớn nhất khu vực đã được chọn.

Phát biểu trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hồng Kông, nơi Vietjet vừa mở đường bay quốc tế, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành kiêm người sở hữu phần lớn cổ phần của Vietjet, cho biết: “Việc niêm yết ở trị trường nước ngoài chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Không chỉ chúng tôi mà các nhà tư vấn cũng không thể lường hết lượng công việc giấy tờ khổng lồ phải xử lý và hoàn chỉnh để phục vụ dự án này”.

Trước đó, CEO Vietjet muốn cổ phiếu của hãng được niêm yết tại thị trường nước ngoài trong quý 2 năm nay. Tuy nhiên, luật pháp Việt Nam quy định Vietjet phải IPO trên các sàn trong nước trước khi bước chân ra các thị trường quốc tế. Bà Thảo cũng tin tưởng IPO của Vietjet sẽ thu hút đông đảo nhà đầu tư Việt Nam, nền kinh tế đang phát triển nhanh với nhu cầu ngày càng cao.

Thông qua việc đưa việc đi lại bằng đường hàng không tới gần với tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, bà Thảo kỳ vọng sẽ đạt được thành công của Tony Fernandes, nhà sáng lập AirAsia ở Malaysia hay Rusdi Kirana, người sáng lập Lion Air ở Indonesia. Trong năm ngoái, Vietjet chuyên chở 9,3 triệu hành khách và hy vọng sẽ tăng lên 15 triệu người trong năm nay thông qua việc mở thêm đường bay và tăng cường phi cơ.

Vietjet chỉ sở hữu một chiếc máy bay duy nhất. Trong năm nay, hãng đã đặt mua 100 chiếc Boeing 737 và 20 chiếc Airbus A321 để thay thế cho đội máy bay đi thuê đang hoạt động. Theo kế hoạch, Vietjet sẽ nhận trung bình 10 máy bay mới mỗi năm.

Linh Anh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Từ "con ma MTM" nhớ về Dược Viễn Đông và nỗi đau mất nghìn tỷ của nhà đầu tư

Doanh nghiệp công bố thông tin không minh bạch và những cái "sàng" lọc thông tin minh bạch có vẻ như đã không sàng được hết những thông tin sai lệch cơ bản nhất. Và, người chịu trận đang là nhà đầu tư!

Có lẽ giờ đây, các nhà đầu tư lỡ đặt niềm tin vào cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung đang tự than thân, trách phận sao lại rót tiền vào một doanh nghiệp mà trụ sở của họ còn chẳng rõ ràng, là quán bò né. Họ cũng tự trách thân khi càng lộ ra các báo cáo thì sự việc tại MTM càng trở nên không biết còn gì tệ hại hơn đang chờ họ sau đó.

Sau trụ sở "bò né" là cổ phiếu ảo

"Đang yên đang lành", khoảng 3 tháng trước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội bất ngờ ra một thông báo tạm ngừng giao dịch cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung. Nhiều nhà đầu tư tự nhiên bơ vơ, không biết rồi đây những cổ phiếu mà mình vừa bỏ tiền tươi thóc thật ra mua sẽ thế nào. Đem nỗi lo lên các diễn đàn của dân tài chính hỏi, họ cũng chỉ biết chờ thông tin.

Và, thông tin từ đó cũng tấp nập đến với nhà đầu tư. Từ tin về trụ sở, tin thay đổi nhân sự, tin sắp sửa đại hội cổ đông…Gần đây nhất là một tin khiến nhà đầu tư còn sốc hơn tin trụ sở là quán bò né nữa: 4 triệu cổ phiếu ảo của MTM đã được đưa lên sàn giao dịch chứng khoán, một sự việc chưa từng có tiền lệ trên sàn chứng khoán. Tức, có thể, nhiều nhà đầu tư đã bỏ tiền thật ra mua cổ phiếu ảo.

Theo đó, vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2014 cũng như 31/12/2015 thay vì là 310 tỷ đồng thì thực tế chỉ có 268,4 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa số cổ phiếu thực tế lưu hành của MTM chỉ là 26,84 triệu cổ phiếu thay vì 31 triệu cổ phiếu.

Điều đáng nói là MTM đã được lưu ký và đăng ký giao dịch 31 triệu cổ phiếu trên Upcom. Như vậy có hơn 4 triệu cổ phiếu đã không được góp vốn, hay nói cách khác là thực tế không tồn tại, vẫn được đưa lên sàn giao dịch.

Cổ phiếu đã phát hành rồi, đã trao đi bán lại nhiều lần trên thị trường chứng khoán rồi thì phải làm sao. Thu hồi thì biết thu hồi cổ phiếu của ai, mà có thu hồi theo tỷ lệ sở hữu của cổ đông thì họ cũng thiệt hại, họ đã bỏ tiền ra mua quả táo thì không lý gì bắt họ cắn một miếng trả lại người bán được. Mà, quả táo bán ra là cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng còn thứ họ mua trên thị trường thay đổi liên tục. Cổ phiếu MTM trong 2 tháng ngắn ngủi giao dịch trên UpCOM đã biến động giá từ 2.600 đồng đến 14.700 đồng nhưng tất nhiên, càng về những ngày giao dịch cuối cùng trên UpCOM thì giá cổ phiếu MTM càng thấp. Chốt phiên giao dịch ngày 17/6/2016, cổ phiếu MTM còn 2.600 đồng/cổ phiếu.

Nói đến đây, nhiều nhà đầu tư bớt trách thân đi một chút. Những thông tin về tình hình tài chính, về vốn góp… nọ kia đều được công ty công bố công khai. Khi đầu tư, họ đâu thể biết rằng bản cáo bạch cùng dấu đỏ của công ty được công bố trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội là bản cáo bạch với thông tin sai? Báo cáo tài chính năm 2014 được kiểm toán bởi công ty kiểm toán và tư vấn tài chính quốc tế-chi nhánh Thanh Hóa (IFC) là báo cáo đã được kiểm toán mà thông số quan trọng nhất là vốn điều lệ thực góp 310 tỷ đồng là sai? Họ cũng không thể biết kể cả khi giấy đăng ký kinh doanh công ty đã được cấp năm nọ qua năm kia vẫn có thể là thông tin không đúng sự thật.

Trong bản công bố thông tin liên quan phần thu hồi cổ phiếu "khống", công ty viết rõ "Việc xác định thu hồi số cổ phiếu đang lưu hành hiện nay lớn hơn số cổ phiếu thực tế phát hành này sẽ được điều chỉnh giảm tương ứng sau khi có kết luận của các cơ quan chức năng trong các năm tài chính tiếp theo". Tức, có thu hồi hay không, thu hồi được không và nếu không thu hồi được thì xử lý ra sao, quyền lợi của nhà đầu tư thế nào vẫn là câu chuyện của thì tương lai.

Trong văn bản mới đây gửi đến cơ quan điều tra, dàn lãnh đạo mới của MTM đã đề xuất UBCK, HNX và Trung tâm lưu ký phong tỏa toàn bộ 6,95 triệu cổ phiếu MTM chưa lưu ký để phục vụ điều chỉnh số lượng cổ phiếu khớp với vốn điều lệ, nhưng không biết các cơ quan quản lý sẽ thực hiện như thế nào.

Vậy ai là người phải chịu trách nhiệm với những "sự vênh" trên hàng loạt giấy tờ có tính pháp lý rất cao mà đáng lẽ nhà đầu tư có thể dựa vào đó để tin tưởng phân tích đầu tư? Là công ty kiểm toán, là sở kế hoạch đầu tư nơi cấp phép đăng ký kinh doanh, là UBCKNN hay HNX là nơi quyết định cho công ty đăng ký giao dịch chứng khoán trên UpCOM hay là đơn vị nào khác? Câu hỏi quá lớn và nhà đầu tư đứng trước bờ vực của mất mát tiền vẫn không thể trả lời được.

Nhớ lại trường hợp kinh điển của Dược Viễn Đông và nỗi đau mất nghìn tỷ của nhà đầu tư

Vì sao trường hợp Dược Viễn Đông với mã cổ phiếu DVD một thời lại được nhắc đến trong bài viết này? Chắc hẳn, nhà đầu tư vẫn chưa quên Dược Viễn Đông đã "đánh gục" nhà đầu tư của mình như thế nào.

Từ mức giá hàng trăm nghìn đồng/cổ phiếu, DVD đã chào bán thêm cổ phần với mức giá 20.000 đồng/cp. Những tưởng là nhà đầu tư được hưởng lợi và đã không ít nhà đầu tư đặt thêm tiền mua cổ phiếu, UBCKNN bất ngờ đình chỉ vụ phát hành này sau khi cổ đông đã "lăn chốt" và không ít người đã nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm. Lý do chính được đưa ra là do một số thông tin quan trọng được DVD đưa ra trong bản cáo bạch đã không đúng với thực tế.

Lần đầu tiên trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, việc hủy niêm yết cổ phiếu phát hành thêm được áp dụng. Sau đó là hủy niêm yết cổ phiếu.

Thông tin cuối cùng cho nhà đầu tư liên quan đến quyền lợi là DVD vẫn là công ty đại chúng dù bị hủy niêm yết, nhà đầu tư có thể thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần thông qua hệ thống chuyển quyền sở hữu chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Việc giao dịch và thanh toán tiền đối với giao dịch mua bán nói trên do các bên tự thỏa thuận theo đúng quy định của pháp luật và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm giải quyết nếu có tranh chấp phát sinh.

Chuyện đã qua rồi, nhắc lại chỉ để nói lên rằng, cuối cùng, những người bị mất nghìn tỷ vốn hóa không ai khác chính là nhà đầu tư. Doanh nghiệp công bố thông tin không minh bạch và những cái "sàng" lọc thông tin minh bạch có vẻ như đã không sàng được hết những thông tin sai lệch cơ bản nhất. Và, người chịu trận đang là nhà đầu tư!

Hải An

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Ông chủ dự án “Lên trời gọi mưa” xin tạm ứng khẩn 5.000 tỷ để thử nghiệm

Công ty An Sinh Xanh đã đề nghị Chính phủ có hình thức cho dự án “Lên trời gọi mưa” tạm ứng khẩn 5.000 tỷ đồng để kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hoá chất thử nghiệm đợt 1 vào 10/10/2016 tại Đà Nẵng.

Trước đề xuất của Tổng giám đốc Phan Đinh Phương, Công ty An Sinh Xanh (Đà Nẵng) liên quan đến dự án “Lên trời gọi mưa”, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị 7 bộ cùng tham gia. Tiếp đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có công văn chỉ đạo Công ty An Sinh Xanh liên hệ với 7 bộ để triển khai theo 7 lĩnh vực quản lý Nhà nước.

Trường hợp có những nội dung vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

“Cha đẻ” của dự án này cho biết, ý tưởng của dự án xuất phát từ việc ông thấy người dân khốn khổ khi ruộng đồng nứt nẻ, lúa chết khô.

Trao đổi trên báo chí, ông Phương cho biết, khi thấy tình trạng ruộng đồng nứt nẻ, lúa chết kho, ông quyết định bắt mây phải mưa để người dân có nước chống hạn từ việc vận dụng kiến thức phun nước ở cầu Rồng.

Việt Nam có ưu thế lớn là nhiều núi nên sẽ sử dụng núi để gọi mưa thậm chí trong điều kiện thời tiết trời trong veo vẫn có nước, có thể sử dụng i-ốt bạc hoặc chất hoá học khác mà Việt Nam sản xuất được để nước dịch lại với nhau, dần dần sẽ to dần và tạo thành mưa.

Đối với việc chống ngập lụt, công nghệ này sẽ chặn cho mây vào đất liền bằng cách sẽ hút nước biển phun lên cho mấy ướt tạo thành mưa rớt xuống biển.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các ngành chức năng, ông Phương cho biết, công ty đã nghiên cứu nâng cấp dự án theo hướng lập 1.000 trạm điều tiết mưa, khi gió đưa qúa nhiều mây từ biển vào đất liền thì 100 trạm chủ động đón mây gây mưa ngay trên vịnh Bắc Bộ để giảm mây bay vào, giảm ngập lụt tắc đường cho các thành phố.

400 trạm điều tiết mưa đúng nơi đúng lúc cho 63 tỉnh thành có đủ nước phục vụ nông lâm ngư nghiệp, 500 trạm trên hàng ngàn sông suối và hồ thuỷ điện rừng núi phía Bắc và dãy Trường Sơn để gây mưa, tạo lập hệ thống đê kè giữ nước ngọt, chống xâm nhập mặn đảm bảo nước cho thuỷ điện thuỷ lợi và các vựa lúa đồng bằng Bắc Trung Nam bộ.

“Đây là lần đầu tiên Việt Nam tác động vào thiên nhiên để điều chỉnh thời tiết liên quan đa ngành đa cấp đa lĩnh vực đa luật lệ vì vậy để khởi sự đúng tầm dự án đề nghị Thủ tướng xem xét chủ trì cuộc họp với 7 bộ và công ty để giới thiệu dự án”, ông Phương cho biết trong văn bản. Thậm chí, tại văn bản này, ông Phương cũng đề xuất thời gian họp dự kiến khoảng 15-25/9 này.

Mặc dù cho biết, chưa thể tính đúng tính đủ chi phí với đa phần thiết bị bay phải nhập ngoại, ông Phương cũng đã “tạm ứng khẩn 5.000 tỷ đồng” để kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hoá chất thử nghiệm đợt 1 vào 10/10/2016 tại Đà Nẵng và có vốn để tiếp tục triển khai trong năm 2016-2017.

Vị Tổng giám đốc này cũng tự tin cho biết “sẽ đem hết trí lực cùng Chính phủ và 7 bộ thực hiện thắng lợi dự án, hiện thực hóa sự nghiệp cải tạo thiên nhiên, bình ổn khí hậu với hiệu quả kinh tế và nhân văn toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực và bền vững cho đất nước và nhân dân”.

Theo Nguyễn Thảo

BizLIVE

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Chủ tịch 8x của Vinaconex PVC (PVV) bị khởi tố, bắt giam do liên quan PVX

Cơ quan cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ các hành vi sai phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí (mã PVX). Ông Trương Quốc Dũng từng có thời gian giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc PVX.

Ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46 (P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 163 Bộ Luật Hình sự xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (mã PVX) và các đơn vị thành viên.

Khởi tố, bắt tạm giam 4 lãnh đạo PVC

Ông Trương Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex - PVC (mã PVV - HNX) cũng nằm trong danh sách bốn bị can do từng đảm nhiệm vị trí Phó tổng Giám đốc của PVX từ năm 2007 - 2013, khi chỉ mới 27 tuổi.

Ông Dũng sinh năm 1982, nguyên quán Ninh Bình, tốt nghiệp cử nhân kinh tế. Sau đó ba năm làm chuyên viên tại Ban Dự án Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), ông Trương Quốc Dũng chuyển về PVV với vai trò là Tổng giám đốc khi chỉ mới 25 và đảm nhận vị trí Chủ tịch PVV từ năm 2011. Chiếc ghế Chủ tịch HĐQT sau đó được giao lại cho bà Tô Linh Hương (sinh năm 1988) trong vỏn vẹn hai tháng. Ông Trương Quốc Dũng tiếp tục đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT PVV từ tháng 7/2012 tới nay.

Vinaconex - PVC tiền thân là CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng công trình giao thông Miền Bắc.Tháng 5/2007, với sự tham gia góp vốn của Vinaconex, PVV chính thức trở thành công ty con của Vinaconex và được đổi tên thành CTCP Đầu tư Phát triển giao thông Vinaconex 39 với chức năng chủ yếu là xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, san lấp mặt bằng, xử lý nền móng công trình, đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Tính đến thời điểm hiện tại, Vinaconex không còn nằm trong danh sách cổ đông lớn tại doanh nghiệp này. Một số cổ đông lớn của PVV hiện nay là CTCP Quản lý quỹ Thái Bình Dương (19,05%), Oceanbank (16,67%), CTCP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật Vinaconex (E&C) (16,03%), CTCP Khoáng sản Bắc Trung Bộ (13,2%).

Vào những năm 2010-2012, PVV duy trì doanh thu hơn 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh lợi nhuận năm 2010 (19 tỷ đồng), lợi nhuận năm 2011 của PVV giảm sút và thua lỗ lần lượt 48,4 tỷ đồng và 100 tỷ đồng hai năm sau đó. Tính đến cuối quý II/2016, PVV lỗ lũy kế 145 tỷ đồng, tương đương 48,3%. Tổng nguồn vốn của PVV hiện nay là 1.391 tỷ đồng, nhưng có tới gần 1.200 tỷ đồng là vốn vay. Trong đó, vay ngân hàng ngắn hạn 281 tỷ đồng, phải trả khác 351 tỷ đồng.

Theo Ngọc Linh

Người đồng hành

Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

Nắm thế mạnh về di động, sẽ chiến thắng trên thương trường

Điện thoại di động đã thay đổi lối sống của con người. Smartphone thường là thứ cuối cùng chúng ta xem trước khi ngủ và đầu tiên khi thức dậy.

Cách thức tiếp xúc thông tin của chúng ta cũng đã thay đổi từ màn hình 51 inch của tivi sang màn hình chỉ 5,5 inch trên điện thoại – gần với gương mặt chúng ta trong tầm 2 inch. Bên cạnh đó, điện thoại di động còn giúp chúng ta kết nối với thế giới xung quanh 24/7 bất kể nơi đâu và bất kể lúc nào. Smartphone đang ngày càng trở nên “quyền lực” hơn những chiếc máy tính vì tuy chỉ nhỏ gọn trong lòng bàn tay nhưng mang lại những quyền năng không thua kém gì các cỗ máy không lồ.

Và đó là lý do mà điện thoại di động đang được ngành marketing tận dụng để tiếp cận đến người tiêu dùng mục tiêu của mình.

Mục đích của bất cứ doanh nghiệp nào cũng là khách hàng, tăng lợi nhuận và nâng cao giá trị doanh nghiệp. Càng ngày điều ấy càng trở nên rõ ràng hơn đối với doanh nghiệp bất kể quy mô và lĩnh vực kinh doanh.

Ngày nay, họ sẽ chiến thắng trong kinh doanh khi nắm được mảng di động. Với sự chuyển đổi mang tính kiến tạo trong cách thức tiếp cận thông tin của người tiêu dùng, đã đem đến cơ hội duy nhất cho tiếp thị di động để mang thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng của họ. Cách thức đo lường thành công của nhãn hàng giờ đây buộc phải bao gồm một chiến lược di động hấp dẫn, hiệu quả ngay từ trong cốt lõi. Điện thoại di động đang ngày càng trở nên phổ biến, chính vì thế sẽ rất bất lợi nếu như thương hiệu nào không đầu tư vào lĩnh vực này. Ngay cả những thứ đơn giản như việc tối ưu hoá một website công ty trên thiết bị di động cũng có thể đem đến tác động lớn.

Thế nhưng, nếu bạn không hiểu được các khía cạnh khác nhau của Mobile Marketing thì bạn có thể bị cám dỗ bằng việc bỏ qua nó hoặc làm theo tất cả những gì mà mọi người xung quanh đang làm. Giờ đây, đã không còn là thời kì của "Mobile-first" nữa mà thay vào đó là "Mobile Right". Với khả năng có thể tiếp cận vào thế giới thực của các phân khúc khách hàng mục tiêu và khả năng tiếp cận người dùng vào đúng thời gian và địa điểm được phân phối bằng một kênh đơn giản nhưng đầy quyền lực, đó chính là điện thoại di động.

Theo một cuộc khảo sát thị trường được tiến hành bởi comScore và Millennial Media, hơn một nửa (52%) số người sử dụng điện thoại để tìm kiếm sản phẩm khi họ cần. 48% người được khảo sát nói rằng họ dùng điện thoại để tìm hiểu sâu hơn về một sản phẩm và ngạc nhiên hơn khi 38% người quyết định mua hàng trên thiết bị điện thoại di động. Khách hàng sử dụng điện thoại di động như một công cụ để tìm hiểu nhiều hơn về sản phẩm và hiểu sâu hơn về thương hiệu để hoàn thành quá trình mua hàng. Chính vì vậy, đây là một cơ hội lớn cho thương hiệu trong việc tận dụng các kết nối trên điện thoại di động.

Cơ hội lớn cho thương hiệu trong việc tận dụng các kết nối trên điện thoại di động.

Mobile Marketing ngày nay cần đa dạng, hấp dẫn và cá nhân hoá để tạo cho khách hàng cảm giác như mình là một phần trong đó. Đã có rất nhiều cuộc đổi mới về công nghệ diễn ra trong cuộc sống của chúng ta trong suốt vài năm gần đây như: VR, AE, hình ảnh và video 360o, QR Codes, livestreaming và nhiều hơn nữa. Tất cả những điều trên đều thú vị hơn tin nhắn SMS thông thường, Push Notification và App Advertising mà các Marketer đang sử dụng trong các Mix của họ.

Hành vi của người sử dụng điện thoại di động đang thay đổi tiên tục, công nghệ cũng đang được cập nhật thường xuyên. Do đó, vấn đề bảo mật và sự an toàn thương hiệu đang là tâm điểm. So với nhiều nước khác trong khu vực, người tiêu dùng tại Việt Nam ngày càng cởi mở hơn trong việc áp dụng công nghệ mới. Đó là lý do họ được ưu tiên hơn trong các cuộc thử nghiệm và sử dụng những xu hướng mới trên điện thoại di động.

Đây là hiện tượng mà các nhà Marketer phải đối mặt hằng ngày và cách duy nhất để khắc phục là sự hiểu biết sâu sắc về các số liệu Mobile Marketing bao gồm: Programatic, Mobile Video, Multi Screening, Data Analytics, Location Targeting và các vấn đề khác. Các nhà Marketer cần phân bổ thời gian và nguồn lực để hiểu và áp dụng đúng các kênh trong Marketing Mix để tiếp cận đến những phân khúc mục tiêu luôn thay đổi. Và nhiều yếu tố tiềm ẩn khác sẽ được khám phá tại MMA Forum Vietnam được tổ chức vào ngày 21 tháng 10 năm 2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh (http://mmaglobal.com/vietnam/en/events/mma-vietnam-forum).

Về Hiệp Hội Mobile Marketing

Hiệp Hội Mobile Marketing (MMA) là một Hiệp Hội phi lợi nhuận lớn nhất tên toàn thế giới về Mobile Marketing, bao gồm 800 công ty thành viên, từ gần 50 quốc gia trên toàn thế giới. Thành viên của chúng tôi đến từ mọi phân khúc của hệ thống Mobile Marketing bao gồm brand marketer, agency, các công ty công nghệ, công ty truyền thông và nhiều công ty khác. Nhiệm vụ của MMA là: thúc đẩy bước chuyển hóa của ngành và khả năng sáng tạo của marketing thông qua kênh di động, dẫn dắt sự phát triển của doanh nghiệp tiến đến mối quan hệ bền chặt với khách hàng.

A.D

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

Bộ Công an truy nã quốc tế bị can Trịnh Xuân Thanh

Cũng trong chiều nay (16/9/2016), Ủy ban Kiểm tra trung ương đã công bố Quyết định của Ban Bí thư về việc khai trừ ra khỏi Đảng vắng mặt đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46)- Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tên viết tắt PVC- mã chứng khoán PVX).

Theo đó, ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty PVC.

Trước đó, ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46(P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam; ngày 16/9/2016 ra Quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự; đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.

Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, cùng trong ngày 15/9/2016, Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đã khởi tố 4 bị can thuộc Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam gồm:

1. Vũ Đức Thuận , nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc

2. Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc

3. Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc

4. Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC.

Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh, bỏ trốn ngày 16 tháng 9 năm 2016.

Trước khi bỏ trốn, ông Trịnh Xuân Thanh đăng ký hộ khẩu thường trú và ngụ tại Số nhà 24, C2, Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội.

Cũng trong chiều nay (16/9/2016), Ủy ban Kiểm tra trung ương đã công bố Quyết định của Ban Bí thư về việc khai trừ ra khỏi Đảng vắng mặt đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.

Hải An

Theo InfoNet

Đọc tiếp »

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Tổng công ty cà phê phải dứt ruột bán Vinacafe Biên Hòa, nếu không sẽ lỗ khủng

Năm 2015, Tổng công ty cà phê Việt Nam lãi ròng gần 90 tỷ đồng, phần lớn là nhờ doanh thu tài chính lên đến gần 600 tỷ đồng.

Không bán Vinacafe Biên Hòa, sẽ lỗ khủng

Theo báo cáo tài chính của Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe), năm 2015, Vinacafe lãi ròng gần 90 tỷ đồng – tăng 65% so với năm 2014 mặc dù doanh thu thuần cũng như lợi nhuận gộp giảm mạnh. Nguyên nhân đến từ khoản doanh thu tài chính lên đến 587 tỷ đồng, trong đó riêng lãi từ bán các khoản đầu tư là 489 tỷ đồng.

Đây chính là lợi nhuận từ việc bán đi toàn bộ 3,41 triệu cổ phần tương đương tỷ lệ sở hữu 12,85% tại Vinacafe Biên Hòa (mã: VCF) hồi cuối năm 2015. Khi đó, VCF được chuyển nhượng với giá 153.000 đồng/cp, đem về cho Vinacafe 533 tỷ đồng.

Có thể thấy, nếu không nhờ việc bán đi VCF thì với khoản lãi gộp chỉ có hơn 100 tỷ đồng - không đủ để chi trả cho những khoản chi phí lớn, đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 400 tỷ đồng - Vinacafe sẽ đối mặt với con số lỗ hàng trăm tỷ đồng trong năm vừa qua.

Đó là chưa kể đến hàng loạt ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về các khoản công nợ và dự phòng phải thu chưa ghi nhận chi phí.

Sau giao dịch thoái vốn của Vinacafe, hiện tại cơ cấu cổ đông lớn của VCF bao gồm Công ty TNHH MTV Masan Beverage nắm gần 16 triệu cổ phiếu (60,16%) và Gaoling Fund L.P nắm 6,2 triệu cổ phiếu (23,33%).

Vì sao lại là dứt ruột?

Vinacafe Biên Hòa tiền thân là nhà máy cà phê Coronel, ra đời từ năm 1969. Cùng với nhiều thăng trầm của lịch sử, đây chính là đơn vị đã tạo ra thương hiệu Vinacafe và đưa thương hiệu này vươn ra tầm quốc tế trước cả khi về với Tổng công ty cà phê Việt Nam vào năm 1988.

Khi tiến hành niêm yết trên sàn HOSE, Tổng công ty cà phê là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 50% vốn cổ phần của Vinacafe Biên Hòa. Tuy nhiên trong các năm sau đó, Vinacafe đã thoái vốn dần. Trước đợt bán nói trên, lần lượt vào tháng 6/2011 và tháng 12/2013, Tổng công ty cà phê Việt Nam đã bán ra 3,4 triệu cổ phần và 6,5 triệu cổ phần VCF, thu về hơn 1.000 tỷ đồng.

Các đợt thoái vốn trước đây khỏi Vinacafe Biên Hoà cũng giúp Vinacafe "vớt vát" được phần nào hoạt động kinh doanh chính không mấy sáng sủa của mình.

“Bán đứt” Vinacafe Biên Hòa đồng nghĩa với việc Tổng công ty cà phê Việt Nam đã bán đi tài sản giá trị nhất của mình và những gì còn lại là những đơn vị kinh doanh cà phê đang ở trong tình cảnh vô cùng khó khăn. Một trường hợp điển hình là Vinacafe Buôn Ma Thuột - một công ty liên kết của Vinacafe - với khoản lỗ hơn nghìn tỷ đồng.

Với tình hình hiện tại, bán đi những tài sản giá trị là giải pháp nhanh nhất giúp Tổng công ty này có tiền tươi thóc thật để làm những gì cần thiết, nhưng trong những năm tới, khi không còn tài sản như Vinacafe Biên Hòa nữa, Tổng công ty cà phê Việt Nam sẽ cải thiện các con số tài chính như thế nào?

Minh Châu

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Ocean Group tái khởi động hoạt động đầu tư bằng dự án 25 Trần Khánh Dư

Với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đi vào khai thác, vận hành vào Quý IV/2018.

Theo thông tin từ CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã chứng khoán :OGC), ngày 14/9/2016, OceanGroup đã thực hiện Lễ động thổ Dự án TTTM - Văn phòng - Khách sạn - Nhà ở cho thuê tại 25 Trần Khánh Dư, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Dự án có diện tích hơn 5.400m2, trong đó gần 3.000m2 sẽ được triển khai xây dựng thành tòa nhà hỗn hợp TTTM, khách sạn, văn phòng và căn hộ cho thuê. Với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đi vào khai thác, vận hành vào Quý IV/2018.

Ông Lê Huy Giang, Tổng Giám đốc OceanGroup cho biết: "Lễ động thổ dự án 25 Trần Khánh Dư là một bước khởi đầu quan trọng trong cam kết tái khởi động các hoạt động đầu tư của OceanGroup với các Cổ đông. Đây cũng là dấu mốc của sự nỗ lực chuyển mình qua giai đoạn khó khăn. Trước mắt, với Dự án TTTM - Văn phòng - Khách sạn - Nhà ở cho thuê tại 25 Trần Khánh Dư, chúng tôi cam kết sẽ vận dụng các nguồn lực tốt nhất với những kinh nghiệm về đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản để thực hiện."

Hà Phương

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

TP.HCM ngập lụt, Công ty Thoát nước mải... xây nhà

Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM (UDC) được thành lập năm 1993 với tên gọi Công ty Thoát nước đô thị, chính thức chuyển đổi thành doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích vào năm 1997. UDC hiện là một trong nhiều doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM.

Ngập lụt ngày càng nghiêm trọng

Cuối tháng 8, nửa đầu tháng 9/2016, TP.HCM liên tục hứng những trận mưa lớn trên diện rộng, cả Thành phố ngập lụt nghiêm trọng. Trận lụt ngày 26/8 được ví là trận lụt lịch sử khi gần như toàn Thành phố bị tắc đường hàng tiếng đồng hồ vì mưa. Sân bay Tân Sơn Nhất cũng buộc phải hủy một số chuyến bay.

Tình hình ngập lụt tại thành phố năng động nhất cả nước chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí, ngày càng trở nên nghiêm trọng. Cục trưởng Cục Hàng không, ông Lại Xuân Thanh cho biết, trong tình huống xấu nhất sẽ phải dừng hoạt động Sân bay Tân Sơn Nhất do sân bay này vẫn phải dùng chung hệ thống thoát nước toàn Thành phố, khi khu vực xung quanh ngập sẽ khiến Sân bay không thể thoát nước.

Ngập lụt đương nhiên do nhiều nguyên nhân gây ra. Trước hết là do… trời mưa. Rồi đến quy hoạch kiến trúc, xây dựng, thoát nước… Tuy nhiên, người ta vẫn nghĩ ngay đến vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp đảm trách nhiệm vụ thoát nước toàn Thành phố.

Công ty Thoát nước tập trung… xây văn phòng

Là một doanh nghiệp công ích, lợi nhuận cũng như đóng góp về mặt tài chính cho ngân sách của công ty này tương đối khiêm tốn. Năm 2016, UBND TP.HCM giao nhiệm vụ cho Công ty Thoát nước doanh thu 441 tỷ đồng, lợi nhuận 15,2 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 19 tỷ đồng, không đáng là bao so với các doanh nghiệp khác trên cùng địa bàn. Tuy nhiên, không vì thế mà phủ nhận chức năng của Công ty.

Với nhiệm vụ chống úng ngập trên địa bàn toàn Thành phố, kế hoạch đầu tư năm 2016 của Công ty lại được chú ý hơn cả. Căn cứ Công văn số 1111/UBND-ĐTMT ngày 16/3/2016 của UBND TP.HCM, tổng mức đầu tư dự kiến năm 2016 của Công ty ở mức 82,4 tỷ đồng. Đáng ngạc nhiên hơn cả, phần lớn số tiền nói trên thay vì phục vụ nhiệm vụ chống úng ngập, lại được UDC dành cho việc đầu tư xây dựng trụ sở.

Năm 2013, UDC đạt lợi nhuận trước thuế 30,6 tỷ đồng. Con số lợi nhuận giảm dần đến năm 2015 còn 28,6 tỷ đồng. Kế hoạch cả năm 2016, UDC "chỉ cần" lãi 15,2 tỷ đồng là đạt chỉ tiêu.

Cụ thể, UDC dự kiến đầu tư đất xây dựng văn phòng trụ sở Công ty trên diện tích khuôn viên 400 - 500 m2, tổng mức đầu tư 38 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty cũng dự chi 28 tỷ đồng xây dựng trụ sở văn phòng làm việc Công ty trên diện tích xây dựng 4.000 m2. Tổng mức đầu tư 2 hạng mục xây dựng này là 66 tỷ đồng, chiếm 80% kế hoạch đầu tư năm 2016. Còn 20%, tương đương 16,4 tỷ đồng, được UDC dự chi cho 2 dự án Xe chuyên dùng vận chuyển bùn thùng kín và Xe tải cẩu.

Được biết, một trong những khó khăn mà UDC lên tiếng trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất, là kết cấu hạ tầng thoát nước đã cũ và xuống cấp chưa được sửa chữa và thay thế kịp thời gây trở ngại cho công tác duy tu, nạo vét, chống ngập.

Những khoản phải thu "đáng ngờ"

Tại thời điểm cuối năm 2015, UDC có số dư phải thu khách hàng là 202,5 tỷ đồng. Trong đó có khoản phải thu gần 105 tỷ đồng đối với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM. Kiểm toán báo cáo tài chính cho biết, số dư phát sinh trong năm 2015 là 113 tỷ đồng, được Trung tâm thanh toán trong năm 2016, số dư còn lại phát sinh từ năm 2014 trở về trước với số tiền âm gần 8 tỷ đồng, kiểm toán chưa có cơ sở kiểm tra, đối chiếu.

Kiểm toán cũng lưu ý thêm về việc UDC chưa phân tích, đánh giá việc trích lập dự phòng đối với các khoản công nợ phải thu với số tiền 15,8 tỷ đồng. Do đó, chưa đủ cơ sở để tính các khoản dự phòng này cũng như ảnh hưởng của chúng đến các chỉ tiêu khác trong báo cáo tài chính của Công ty.

Báo cáo tài chính năm 2015 của UDC bị kiểm toán đưa khá nhiều ý kiến ngoại trừ xung quanh các khoản mục có giá trị từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng.

Năm 2013, UDC đạt lợi nhuận trước thuế 30,6 tỷ đồng. Con số lợi nhuận giảm dần đến năm 2015 còn 28,6 tỷ đồng. Kế hoạch cả năm 2016, UDC "chỉ cần" lãi 15,2 tỷ đồng là đạt chỉ tiêu.

Theo Đan Nguyên

Báo đấu thầu

Đọc tiếp »

SBT chấm dứt hoạt động của chi nhánh tại Singapore

Sau khi chấm dứt hoạt động tại Singapore, Thành Thành Công Gia Lai sẽ được sáp nhập vào công ty TNHH Tư nhân Đầu tư TSU.

CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh tại Singapore.

Theo công bố, SBT sẽ chấm dứt hoạt động của Công ty TNHH Tư nhân Thành Thành Công Gia Lai tại Singapore theo Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 739/BKHĐT-ĐTRNN ngày 27/8/2014.

Sau khi chấm dứt hoạt động tại Singapore, Thành Thành Công Gia Lai sẽ được sáp nhập vào công ty TNHH Tư nhân Đầu tư TSU.

Theo phương áp sáp nhập, TSU sẽ phát hành cổ phần để hoán đổi với cổ phần của Thành Thành Công Gia Lai. Ngoài ra, TSU sẽ kế thừa toàn bộ các quyền lợi và nghĩa vụ của Thành Thành Công Gia Lai. Các thủ tục này sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật của Singapore.

Do Thành Thành Công Gia Lai sáp nhập vào TSU nên toàn bộ vốn đầu tư còn lại của Thành Thành công Gia Lai sẽ chuyển vào cho TSU lên thành 12 triệu USD (tương đương 259,2 tỷ đồng).

TSU cũng điều chỉnh theo hướng thêm nghiệp vụ mới là kinh doanh các sản phẩm sau đường như: mật rỉ, bánh kẹo, đồ uống.

Các loại hình kinh doanh cũ vẫn như nguyên như: kinh doanh thương mại và thực hiện một phần công đoạn sản xuất đóng gói các sản phẩm đường; mua bán đường thô và đường tinh luyện thế giới; mua bán đường tinh luyện của các công ty, nhà máy sản xuất tại Việt Nam; thuê các nhà máy tại Việt Nam gia công đường thô thành đường tinh luyện.

Hải Phòng

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Một trong những Tập đoàn tài chính lớn nhất Hàn Quốc có ý định mua lại công ty tài chính Handico

Với vốn điều lệ 550 tỷ đồng, HAFIC nằm trong danh sách những công ty nhà nước "bê bết" về tình tài chính với các khoản thua lỗ nặng nề và nợ khó đòi. Lũy kế đến cuối năm 2013, HAFIC lỗ hơn 135 tỷ đồng.

Tờ Koreaherald của Hàn Quốc vừa dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, KB Kookmin Card – một trong những công ty thẻ tín dụng lớn nhất Hàn Quốc, đang đàm phán với HANDICO để mua lại Công ty tài chính cổ phần Handico (HAFIC), nhằm bước chân vào thị trường tài chính vi mô của Việt Nam.

Trước đó, nhiều công ty tài chính Hàn Quốc, bao gồm cả JB Financial Holdings, đã thể hiện sự quan tâm trong việc mua HAFIC. Tuy nhiên, JB Financial Holdings đã từ bỏ ý định mua HAFIC do lo ngại về các khoản cho vay khó đòi của công ty này. Với việc đàm phán mua lại HAFIC, KB Kookmin Card sẽ phải nỗ lực để có kế hoạch làm giảm các khoản nợ tiềm tàng của HAFIC.

KB Kookmin Card là một đơn vị thành viên của Tập đoàn đầu tư tài chính KB Financial Holdings của Hàn Quốc. Hiện nay, KB Financial Holdings đang bước chân vào thị trường tín dụng vi mô khu vực Đông Nam Á thông qua các công ty con như KB Kookmin Card và KB Capital. Công ty thẻ tín dụng Hàn Quốc muốn thiết lập một vị trí rõ ràng hơn tại thị trường này bằng cách gia nhập thị trường Việt Nam sau khi đã hiện diện tại Indonesia và Lào trước đó.

Công ty Tài chính Cổ phần HANDICO (Hafic) được thành lập ngày 16/11/2005, tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico). Với vốn điều lệ 550 tỷ đồng, HAFIC nằm trong danh sách những công ty nhà nước "bê bết" về tình tài chính với các khoản thua lỗ nặng nề và nợ khó đòi. Lũy kế đến cuối năm 2013, HAFIC lỗ hơn 135 tỷ đồng.

Mai Linh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Vụ “công ty ma” MTM: Hơn 4 triệu cổ phiếu không tồn tại vẫn được đưa lên sàn để mua bán

Những vụ việc lùm xùm liên quan đến CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung (MTM) vẫn chưa có hồi kết.

CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung (MTM) vừa công bố lại báo cáo tài chính quý 4/2015 chưa kiểm toán, thay thế báo cáo đã gửi ngày 30/8/2016 và 5/9/2016.

Điểm đáng chú ý là báo cáo này đã điều chỉnh hồi tố rất nhiều khoản mục trên bảng cân đối kế toán tại thời điểm ngày 1/1/2014 – là số liệu đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Tài chính Quốc tế (IFC).

Thời gian gần đây đã chứng kiến một loạt doanh nghiệp hồi tố/điều chỉnh số liệu những khoản mục trị giá hàng trăm tỷ trên báo cáo tài chính liên quan đến “tài sản bốc hơi” hay dự phòng thiếu các khoản phải thu của Gỗ Trường Thành (TTF), Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) hay NTACO (ATA). Tuy nhiên MTM đã có một việc chưa có tiền lệ là điều chỉnh giảm vốn điều lệ thực góp.

Theo đó, vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2014 cũng như 31/12/2015 thay vì là 310 tỷ đồng thì thực tế chỉ có 268,4 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa số cổ phiếu thực tế lưu hành của MTM chỉ là 26,84 triệu cổ phiếu thay vì 31 triệu cổ phiếu.

Điều đáng nói là MTM đã được lưu ký và đăng ký giao dịch 31 triệu cổ phiếu trên Upcom. Như vậy có hơn 4 triệu cổ phiếu đã không được góp vốn, hay nói cách khác là thực tế không tồn tại, vẫn được đưa lên sàn giao dịch. Điều này có thể gây hệ lụy rất lớn cho nhà đầu tư.

Báo cáo của MTM cho biết: “Việc xác định thu hồi số cổ phiếu đang lưu hành hiện nay lớn hơn số cổ phiếu thực tế phát hành này sẽ được điều chỉnh giảm tương ứng sau khi có kết luận của các cơ quan chức năng trong các năm tài chính tiếp theo”.

Cổ phiếu MTM lên giao dịch trên sàn Upcom vào ngày 15/4/2016. Hai tháng sau, ngày 17/6, HNX đã quyết định dừng giao dịch đối với cổ phiếu này với lý do để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Trước khi bị ngừng giao dịch, MTM là cổ phiếu có thanh khoản top đầu Upcom với hàng triệu đơn vị được giao dịch mỗi phiên. Thậm chí, trong phiên giao dịch 16/6, khối lượng giao dịch MTM tăng vọt lên hơn 7 triệu đơn vị, tương đương 23% khối lượng cổ phiếu lưu hành của công ty. Kết thúc phiên giao dịch 17/6, thị giá MTM chỉ còn 2.600đ/cp, giảm tới 75% so với giá chào sàn chỉ cách đây 2 tháng. Điều này có nghĩa nhà đầu tư nào mua cổ phiếu MTM thì đã “bay hơi” ¾ giá trị tài sản.

Từ trước khi bị ngừng giao dịch đến nay, có rất nhiều lùm xùm liên quan đến MTM như: công ty bị cho là ngừng hoạt động, trụ sở công ty chỉ là quán "bò né", tiếp đến là hàng loạt thay đổi về nhân sự lãnh đạo công ty.

Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với các bên liên quan để làm rõ vấn đề hy hữu này.

KAL

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Sẽ bắt đầu thoái vốn Nhà nước tại Vinamilk ngay trong năm nay

Lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định, cơ quan chức năng sẽ thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ngay trong năm nay và 9 doanh nghiệp lớn khác vào đầu năm 2017.

Đây là thông tin vừa được ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nêu lên trong buổi trả lời báo chí chiều 14/9.

Chưa tiết lộ phương án bán vốn cụ thể tại Vinamilk, ông Tiến cho hay, phía Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang xây dựng phương án cụ thể để báo cáo Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, theo ông, đây là quá trình phải làm cẩn thận để tránh ảnh hưởng tới thị trường, bởi có thể nhà đầu tư sẽ tập trung hết vào Vinamilk.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, quy mô của Vinamilk rất lớn với giá trị niêm yết của riêng phần vốn Nhà nước tại đây vào khoảng gần 100.000 tỷ đồng. Bởi vậy, việc bán ra thị trường có thể không chỉ thực hiện một lần mà phải nhiều lần.

Theo ông, Vinamilk là thương hiệu có giá trị bởi khả năng quản trị tốt cũng như luôn đổi mới, sáng tạo. Hiện tại, thương hiệu này không chỉ ở Việt Nam mà là tầm khu vực.

Bởi vậy, với Vinamilk, ông cho rằng, ngoài nhà đầu tư trong nước, cơ quan chức năng phải kêu gọi của nhà đầu tư nước nước ngoài.

Trước đó, cuối năm 2015, Chính phủ đã yêu cầu phía SCIC "chọn thời gian thích hợp" để thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp là: Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh, Tông Công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Viễn thông FPT.

Trong số trên, riêng tại Vinamilk, tỷ lệ vốn Nhà nước đang nắm giữ là 45,1%./.

Theo Xuân Dũng

Vietnam+

Đọc tiếp »

Maseco, công ty sở hữu 2 thương hiệu nổi tiếng Ariang và Hồ Tiêu Chư Sê sắp lên sàn

Maseco là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh hàng điện tử với thương hiệu Ariang, hàng nông sản với thương hiệu "Hồ tiêu Chư sê"...

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vừa thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán của CTCP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco).

Maseco là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu; sản xuất, kinh doanh hàng điện tử và được biết đến với thương hiệu nổi tiếng Ariang gồm các loại đầu máy DVD, Karaoke vi tính, amply…Lĩnh vực nông sản, mặt hàng chủ lực của Maseco là cà phê nhân và hồ tiêu với thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê”. Ngoài ra, công ty còn kinh doanh nhà hàng, bất động sản. Maseco có vốn điều lệ thực góp 225 tỷ đồng và sẽ đăng ký niêm yết 22,5 triệu cổ phiếu.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu đạt 1.263 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng so với cùng kỳ, tuy nhiên do giá vốn và chi phí tăng mạnh nên nửa đầu năm công ty báo lãi sau thuế 22,5 tỷ đồng, giảm 10 tỷ đồng so với nửa đầu năm ngoái. Tổng cộng tài sản cuối kỳ đạt gần 1.010 tỷ đồng.

Năm 2016, Maseco đặt mục tiêu 1.600 tỷ đồng doanh thu và 60 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cổ tức thấp nhất 15%. Với kết quả thực hiện được nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 79% kế hoạch doanh thu và 49% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. ĐHCĐ thường niên năm 2016 của công ty cũng đã thông qua tỷ lệ chia cổ tức năm 2015 là 18% tương ứng tổng chi 40,5 tỷ đồng.

Thạch Lâm

Theo Trí thức trẻ/Maseco

Đọc tiếp »

Quyết liệt thực hiện định hướng chiến lược ĐHĐCĐ - LICOGI 16 có trở lại thời vàng son?

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 sau soát xét của LICOGI 16, công ty đạt 20 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt kế hoạch lợi nhuận bán niên (đạt 126% kế hoạch).

Trong 6 tháng cuối năm, theo kế hoạch, công ty tiếp tục ghi nhận 630 tỷ đồng doanh thu từ riêng hoạt động xây lắp, tức gấp đôi nửa đầu năm. Doanh thu lũy kế cả năm ước đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra.

Thu hẹp mảng bất động sản

Quá trình cơ cấu lại danh mục dự án đầu tư diễn ra quyết liệt theo chiến lược thu gọn mảng bất động sản đã được ĐHCĐ thông qua để tạo ra dòng tiền cho LICOGI 16 (mã chứng khoán LCG) tập trung vào hoạt động cốt lõi là xây lắp và nghiên cứu đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

Tuy nhiên, công ty vẫn giữ quỹ đất Nhơn Trạch bao gồm Long Tân 1 (50ha), Long Tân 2 (27ha), Điền Phước (95ha); riêng với dự án Phú Hội (83ha), LICOGI 16 góp 30% vốn trong liên danh. Được biết, sau khi Chính phủ đồng ý chủ trương xây cầu Cát Lái nhằm thay thế bến phà Cát Lái (nối quận 2 TP HCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), đất Nhơn Trạch đã tăng giá và hoạt động giao dịch bất động sản tại khu vực này đang nóng lên từng ngày.

Cũng trong báo cáo, LICOGI 16 kỳ vọng đủ điều kiện ghi nhận 237 tỷ đồng doanh thu bất động sản từ dự án Hiệp Thành, quận 12 TPHCM, vào những tháng cuối năm.

Dồn lực cho hoạt động xây lắp, đầu tư PPP theo xu hướng mới, liệu LICOGI 16 có trở lại thuở vàng son?

Trong ngành xây dựng, LICOGI 16 được đánh giá là một doanh nghiệp có thế mạnh về kinh nghiệm và năng lực thi công tốt. Hiện tại, công ty có nhiều chuyển biến trong hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp, đặc biệt là định hướng dừng rót vốn vào bất động sản và tập trung nguồn lực cho hoạt động thế mạnh là xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình công nghiệp.

Trong báo cáo gửi đến cổ đông, LICOGI 16 kỳ vọng trúng thầu một loạt dự án trong thời gian tới như đường Bình Tiên (TPHCM), casino Hội An (Quảng Nam), cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, nhà máy nước Phú Ninh (Quảng Nam). Dự tính tổng doanh thu của các hợp đồng xây lắp này khoảng 1.200 tỷ đồng. Một số dự án mới có tiến độ cam kết hoàn thành trong năm 2016.

Một dự án điển hình mà LICOGI 16 tham gia với cả 2 vai trò là chủ đầu tư và nhà thầu thi công là dự án BOT 38 có tổng số vốn đầu tư khoảng hơn 1.679 tỷ đồng. Thời gian còn lại của năm đủ để LICOGI 16 hoàn thành thi công công trình BOT Quốc lộ 38 và đưa vào vận hành từ đầu năm 2017, bắt đầu thời kỳ thu tiền hoàn vốn dự án.

Một dự án đầu tư và thi công theo hình thức BT khác là dự án Bình Tiên TPHCM, có giá trị dự án 700 tỷ đồng. Dự án đang vào giai đoạn nước rút để được TPHCM chỉ định cấp phép và ký kết hợp đồng, dự kiến sẽ hoàn tất thủ tục pháp lý và khởi công dự án từ giữa quý 4 năm 2016. LICOGI 16 đang đàm phán để được thanh toán bằng đất trong khu vực nội thị TPHCM. Dự án được triển khai thi công toàn bộ công trình đến nửa đầu 2018.

Không chỉ dừng lại các dự án trước mắt, với định hướng liên tục tìm kiếm phát triển các dự án gối đầu, đảm bảo nguồn việc cho kế hoạch 5 năm 2016-2020, hình thức đầu tư kết hợp thi công xây lắp sẽ giúp mang lại khối lượng công việc lớn và lâu dài cho công ty.

Hiện nay, công ty liên danh với đối tác lớn nghiên cứu, đề xuất đầu tư theo hình thức BOT một số dự án hạ tầng giao thông khu vực Hà Nội, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Theo hình thức BOO, có dự án BOO Hệ thống Cấp nước Khu Kinh tế Đông Nam (Quảng Trị). Tổng giá trị đầu tư các dự án vừa nêu khoảng 17.000 tỷ đồng.

Tại ĐHCĐ thường niên 2016, LICOGI 16 xác định đây sẽ là năm đầu đánh dấu chiến lược tái cấu trúc mạnh mẽ để bước vào giai đoạn mới với kế hoạch doanh thu hợp nhất trên 1.100 tỷ đồng và lãi gấp hơn 4 lần năm trước, tương đương 50 tỷ đồng.

Những con số mới được công bố trong báo cáo gửi đến cổ đông cho thấy LICOGI 16 tự tin với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận nói trên. LICOGI 16 đang bứt phá trong hoạt động kinh doanh chính để trở lại thuở vàng son.

A.D

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Maserco (MAC) dự kiến hoàn thành 99% kế hoạch lợi nhuận năm 2016 chỉ sau 9 tháng

Kế hoạch của Maserco chưa bao gồm lợi nhuận từ việc thoái vốn bán cổ phiếu HAH và HMH trong quý 3/2016.

CTCP Cung ứng và Dịch vụ kỹ thuật hàng hải – Maserco (Mã CK: MAC) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc thông qua chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh quý 3/2016.

Cụ thể, Maserco đặt kết hoạch doanh thu 49,7 tỷ đồng trong quý 3/2016, tăng 141% so với thực hiện năm 2015. Trong đó, doanh thu sửa chữa container ước đạt 10,1 tỷ đồng, doanh thu gia công lắp đặt container treo đạt 31,1 tỷ đồng, doanh thu khai thác bãi container đạt 5,8 tỷ đồng và doanh thu khác đạt 2,7 tỷ đồng.

Maserco cũng đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 7,13 tỷ đồng trong quý 3/2016, tăng mạnh so với con số 1,08 tỷ đồng cùng kỳ 2015. Kế hoạch này chưa bao gồm lợi nhuận từ việc thoái vốn bán cổ phiếu HAH và HMH trong quý 3/2016.

Như vậy, theo kế hoạch, Maserco sẽ đạt doanh thu 130 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 20,81 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2016.

Được biết, tại ĐHCĐ năm 2016, Maserco đã thông qua kế hoạch doanh thu 160 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 21 tỷ đồng. Nếu thực hiện theo như dự kiến, Maserco sẽ hoàn thành 81,25% chỉ tiêu doanh thu và 99% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2016 chỉ sau 9 tháng.

Hoàng Anh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Nhìn Zara làm mưa làm gió ở "sân nhà", nhớ Foci thời oanh liệt nay còn đâu?

Trong khi Zara - một thương hiệu quốc tế đang làm mưa làm gió tại Việt Nam những ngày khai trương, thì trong nước, rất nhiều thương hiệu nội lại đang sống mòn, dù từng gây dựng được tên tuổi nổi tiếng 1 thời. Trong đó có cái tên Foci.

Một thời, cách đây khoảng hơn 10 năm, nhiều người trẻ chọn áo phông, quần Jeans của Foci bởi chất đẹp, mát và cách phối màu hợp nhãn. Nhưng giờ Foci đã trở thành vang bóng.

Foci là thương hiệu quần áo của Công ty Thời trang Nguyên Tâm ra đời vào năm 1999, được định vị ở phân khúc trung cấp và từng rất thành công. Năm 2007, Foci đã mở đến 60 cửa hàng. Thời đó, Foci trở thành hàng hiệu. Tuy nhiên, những năm gần đây, thương hiệu này vắng bóng trên thị trường.

Trên website Foci, thương hiệu này ghi 3 số máy liên lạc của 3 cửa hàng tại TP HCM nhưng đều không liên lạc được. Phóng viên đã tìm đến địa chỉ cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng, quận 3 nhưng không thấy điểm bán nào của Foci.

Fanpage facebook của Foci cũng không được cập nhật từ tháng 3/2014. Hoạt động gần đây nhất trên facebook của thương hiệu này là từ 17/3/2014.

Một số độc giả hỏi về địa chỉ cửa hàng của Foci trên Facebook và được quản trị trang nói rằng Foci bán online.

Lần tìm trên internet, phóng viên tìm được 1 website bán hàng online có bán sản phẩm của Foci với giá khoảng 600.000 đồng/chiếc, con số có thể không phải là thấp so với nhiều thương hiệu đầm công sở khác.

Bà Ngô Thị Báu, Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Nguyên Tâm (chủ thương hiệu Foci), từng chia sẻ rằng kinh doanh thời trang cần mặt bằng lớn, trong khi giá thuê mặt bằng lại rất cao nên doanh nghiệp gặp khó.

Vừa gặp khó vì sức mua giảm, công ty này còn phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ và nạn hàng giả, hàng nhái. Lượng hàng nhập lậu hoặc theo đường tiểu ngạch đang tràn ngập thị trường với giá rất thấp nên sản phẩm trong nước khó cạnh tranh lại được.

Bà Báu sau đó đã chuyển hướng sang kinh doanh nhà hàng. Nhân viên của nhà hàng Nhật Bản Shabu Kichoo xác nhận bà chủ của thương hiệu chính là bà Báu, người sáng lập ra thương hiệu Foci nổi tiếng một thời. Hiện nhà hàng có 4 chi nhánh tại TP HCM.

Kinh doanh thời trang gặp khó không phải là câu chuyện của riêng Foci, mà còn của nhiều thương hiệu nội địa khác.

Đáng nói là, sự khó khăn của các doanh nghiệp nội lại đặt trong bối cảnh thị trường thời trang Việt Nam được đánh giá là vô cùng tiềm năng.

Theo nhận định của ông Eric Duy Huỳnh, quản lý cao cấp của Sun FDS Holdings chia sẻ tại sự kiện thời trang VIFF 2014, nếu tính gộp toàn thị trường tại thời điểm này thì tổng doanh thu bán lẻ thời trang tại Việt Nam vào khoảng 100.000 tỷ đồng.

Với tốc độ tăng trưởng đều đặn 15-20% mỗi năm, có thể ước tính hiện tổng doanh thu thị trường này vào khoảng hơn 130.000 tỷ đồng - con số khổng lồ hấp dẫn bất kỳ thương hiệu thời trang quốc tế lớn nào.

Dệt may Việt Nam cũng luôn dẫn đầu thế giới với giá trị kim ngạch đạt 22,81 tỷ USD năm 2015, đặt mục tiêu 31 tỷ năm 2016. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm xuất khẩu lại là hàng gia công.

Cũng theo ông Huỳnh, những năm gần đây các doanh nghiệp tham gia VIFF chỉ đóng góp khoảng 10% thị phần trong tổng sức mua thị trường trong nước.

Xem xét trên thị trường thời trang số lượng thương hiệu Việt được người tiêu dùng biết đến còn khá ít ỏi, có thể kể đến như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10. Một số thương hiệu có thể kể đến như Blue Exchange của công ty thời trang Xanh Cơ Bản, PT200 của công ty TNHH may Phạm Tường 2000, Ninomaxx của Công ty thời trang Việt.

Điểm yếu chung của những doanh nghiệp may mặc trong nước có lẽ là là thiết kế chưa đuổi kịp được xu hướng thời trang của khu vực & thế giới, quy mô còn nhỏ & thiếu sự hợp tác với các nhà thiết kế tên tuổi.

Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh trong nước cũng gặp nhiều hạn chế trong cuộc đua tài chính giành mặt bằng đẹp trước sự tấn công của các thương hiệu lớn của quốc tế. Đồng thời cũng khó đấu lại chiến lược đổ bộ quần áo giá rẻ của Trung Quốc hay Thái Lan.

Theo Thế Trần

Trí thức trẻ/ Cafebiz

Đọc tiếp »

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Hanjin phá sản sẽ tác động nhẹ trong ngắn đến trung hạn với ngành logistic Việt Nam

Hãng tầu Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) chính thức đệ đơn phá sản và thông báo từ ngày 31/8 sẽ dừng booking hàng hóa mới. Hiện tại, Hanjin đang chiếm khoảng 5% thị phần vận chuyển hàng hóa tại thị trường Việt Nam.

Mới đây, thông tin hãng tầu Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) chính thức đệ đơn phá sản và thông báo từ ngày 31/8 sẽ dừng booking hàng hóa mới đã dấy lên những lo ngại ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistic bởi lẽ Hanjin hiện chiếm 2,9 % công suất vận tải container toàn cầu với công suất 3,7 triệu TEU hàng container mỗi năm cùng 140 tàu container.

Hanjin đang hoạt động ra sao tại Việt Nam?

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết Hanjin hiện chiếm khoảng 5% thị phần vận chuyển hàng hóa tại thị trường Việt Nam.

Tại Việt Nam, tàu của Hanjin chủ yếu vận chuyển hàng hóa vào các cảng ở khu vực TPHCM, bao gồm cảng Cát Lai, Tân Cảng Hiệp Phước và Cảng Container Quốc Tế Việt nam (VICT). Hiện nay, hàng tháng có 11 tàu của Hanjin ra vào các cảng ở TPHCM.

Ở khu vực Hải Phòng, hiện Hanjin không có tàu vận chuyển hàng hóa trực tiếp vào các cảng ở đây mà chỉ có hàng hóa trung chuyển. Dù vậy, lượng hàng hóa trung chuyển tại các cảng ở Hải Phòng cũng không đáng kể. CTCK HSC cho rằng vấn đề phá sản của Hanjin sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các cảng ở Hải Phòng

Tác động nhẹ trong ngắn đến trung hạn với ngành Logistic Việt Nam

Theo đánh giá của HSC, có vẻ như các doanh nghiệp hoạt động cảng biển và dịch vụ logistic đã niêm yết không chịu thiệt hại lớn từ sự phá sản của Hanjin.

Với Cảng Cát Lái, HSC không chắc chắn có lỗ hay không và HSC cũng không đưa ra bình luận về khả năng một số khách hàng của Hanjin tại Việt Nam có thể gặp khó khăn do tàu của Hanjin với hàng hóa trên tàu bị các cảng trên thế giới từ chối tiếp nhận. Tuy nhiên, ở trường hợp này sẽ có sự tham gia của bảo hiểm.

Ngoài ra, trong bản tin của HSC cũng đưa ra một số lưu ý về hoạt động cảng biển, logistic của một số doanh nghiệp đang niêm yết:

Gemadept (GMD) cho biết ông nợ chưa thanh toán của Hanjin tại cảng Nam Hải Đình Vũ là khoảng 1 tỷ đồng (doanh thu từ hoạt động cảng của GMD trong 6 tháng đầu năm 2016 là 821 tỷ đồng).

Cảng Đình Vũ (DVP) cho biết tổng hàng hóa của Hanjin đang lưu bãi tại Cảng Đình Vũ là khoảng 200 container (phí lưu bãi dao động từ 600.000đ – 1.000.000đ/ngày/một container 40 ft).

Viconship (VSC) cho biết tổng hàng hóa của Hanjin mà các cảng của VSC tiếp nhận là không đáng kể và sẽ không ảnh hưởng đến KQKD. Tổng công nợ chưa thanh toán từ Hanjin tại VSC tính đến 31/08/2016 là 5 tỷ đồng và Hanjin vẫn có 200 container có hàng và 500 thùng container rỗng lưu bãi tại cảng Green.

Hanjin mới trở thành khách hàng của cảng Green Port từ 3 tháng trước với lượng hàng hóa hàng tháng là 2.300 TEU – chiếm khoảng 4% tổng lượng hàng hóa xử lý hàng tháng hiện tại của VSC. HSC nhận định KQKD Quý 3 của Green Port có thể bị ảnh hưởng.

Cuối cùng, HSC cho rằng việc Hanjin phá sản sẽ có tác động nhẹ trong ngắn đến trung hạn đến ngành logistic của Việt Nam và hàng hóa do tàu của Hanjin vận chuyển sẽ sớm được chuyển sang các hãng vận tải biển khác. Theo đó, hàng hóa tiếp nhận bởi các cảng của Việt Nam sẽ rất nhanh trở về mức thông thường.

Long Nhật

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Ông Lê Phước Vũ: "Đừng quá lo lắng về nguồn vốn đầu tư vào dự án Cà Ná vì tôi đã lo xong hết rồi"

Theo Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hoa Sen, nếu bắt ông ký mua công nghệ 100% của châu Âu thì giá thành cao ngất ngưởng, không làm nổi.

Sáng nay (6/9) Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường niên độ tài chính 2015-2016 nhằm thông qua việc ủy quyền cho HĐQT quyết định cách thức huy động vốn, sử dụng các công cụ nợ để phục vụ cho việc triển khai Tổ hợp Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận và chủ trương đầu tư nhiều dự án thành phần liên quan.

Cà Ná là nơi thuận tiện nhất để làm dự án luyện gang thép

Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận với tổng vốn đăng ký 10,6 tỷ USD. Dự án với công suất 16 triệu tấn/năm đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025. Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai Dự án theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ, công suất mỗi phân kỳ đầu tư dự kiến đạt 1,5 triệu tấn/năm.

Tại đại hội, ông Lê Phước Vũ, chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoa Sen đã giải đáp mọi thắc mắc của hàng trăm cổ đông xung quanh tính khả thi của dự án này trong tương lai. Trong đó, hai vấn đề quan trọng nhất là nguồn vốn đầu tư và rủi ro tác hại đến môi trường khi dự án đi vào vận hành.

Giải thích về việc chọn Cà Ná làm nơi đầu tư dự án "khủng" này, ông Vũ lý giải rằng theo đánh giá của nhiều chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới, Cà Ná là một nơi thuận tiện nhất mà không nào có được để làm dự án luyện gang thép bởi khu vực này chưa có và sẽ không bao giờ có những cơn bão lớn. Nơi này có hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ và đường biển để tiếp cận với khu kinh tế trọng điểm phía Nam rất thuận lợi. Đặc biệt, khu công nghiệp Cà Ná còn có cảng biển nước sâu với độ sâu hơn 20m, tàu hơn 300 nghìn tấn có thể ra vào thuận tiện.

"Cà Ná cũng không có sông nước ngọt nên không tạo bồi lắng, do vậy chúng ta chỉ tốn chi phí đầu tư vận hành một lần mà không đầu tư cho nạo vét. Chúng ta phải xác định được thị trường trọng điểm khi có sản phẩm, nếu so sánh lợi thế cạnh tranh thì không nơi nào bằng ở đây. Nếu nghĩ trước mắt Dung Quất là số 1, nhưng nhìn 5 năm tới phải gọi tên Cà Ná", ông Vũ nói.

Cũng theo ông Vũ, khi làm dự án này phải nhìn đến một thị trường là ASEAN chứ không chỉ là thị trường nội địa. Theo phân tích của nhiều chuyên gia trong 10 năm tới thị trường thép trong nước vẫn còn thiếu trầm trọng hơn 20 triệu tấn. Trong vòng 20-30 năm tới, nếu nói khu vực nào phát triển nóng nhất thế giới thì đó phải là ASEAN nên dự án này đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu thép cho các nên kinh tế.

Không an toàn thì bỏ ngay từ đầu

Về môi trường, ông Vũ nói, Hoa Sen là người đi sau nên học được những kinh nghiệm nhiều từ các dự án trước, mặc dù được áp dụng công nghệ tối tân nhất nhưng cũng phải tính toán đến trường hợp xấu nhất, không phải một năm mà cả 100 năm tới.

"Sau sự kiện Formosa xảy ra làm ai cũng sợ và ví đây là dự án thứ hai của Formosa. Trên thế giới nhiều nước còn có cả hàng trăm tổ hợp dự án nhà máy thép nằm ngay lòng thành phố. Với dự án của Hoa Sen, chúng ta đi theo một hướng khác và đặt yếu tố bảo vệ môi trường lên hàng đầu", ông Vũ trình bày.

Theo đó, dự án này dứt khoát không thu hồi hoá chất sau quá trình luyện cốc để không tạo ra rác thải ra môi trường, thay vào đó sẽ thu nhiệt để phát điện. Hoa Sen đã ký hợp tác với tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới GMC trong suốt quá trình đầu tư dự án. Tập đoàn này sẽ xây dựng những quy trình khép kín quản lý và xử lý những rủi ro về môi trường, bảo đảm giảm tác hại đến môi trường...

"Tôi xin khẳng định rằng trong các giai đoạn đầu tiên chúng ta sẽ không thực hiện luyện cốc mà vẫn nhập cốc, trừ khi các công đoạn khác hoạt động ổn định, bảo đảm an toàn tuyệt đối thì mới đầu tư cho luyện cốc bằng công nghệ tối tân nhất, dưới sự giám sát của đội ngũ chuyên gia đến từ châu Âu hoặc Mỹ", ông Vũ cam kết với cổ đông.

Ông Lê Phước Vũ: "Các nước đã chứng minh, khi nền kinh tế phát triển thì lập tức lĩnh vực thép tăng trưởng mạnh. Cho nên chúng ta đầu tư thép là đúng quy luật và đây là cơ hội vàng. Thứ hai, hiện nay thép Trung Quốc bị đánh chống phá giá tại nhiều nước, đó là cơ hội của doanh nghiệp Việt. Về công nghệ, chúng ta lựa chọn của châu Âu hay Trung Quốc tôi sẽ trả lời sau. Tuy nhiên, hiện nay kể cả các tổ hợp thép của Ấn Độ, Brasil, Mỹ, Mexico... đều có xưởng chế tạo nằm ở Trung Quốc hết. Cho nên giờ chúng ta có ký của châu Âu hay Mỹ thì cũng từ Trung Quốc mà ra, đến 90% là như thế! Còn nếu bắt tôi ký mua công nghệ 100% châu Âu thì giá thành cao ngất ngưởng không làm nổi. Tôi sẽ đủ khôn ngoan để chọn lựa làm cái gì để đạt hiệu quả cao nhất, đạt cạnh tranh tốt nhất".

Không lấy thêm tiền của cổ đông

Về nguồn vốn đầu tư cho dự án, một số chuyên gia nhận định dù là doanh nghiệp tôn thép lớn của Việt Nam nhưng để có số tiền lên đến 10 tỉ đô la Mỹ thì chắc chắn Hoa Sen phải dựa vào nguồn vốn vay là chính. Trong kế hoạch đầu tư, ở phân kỳ đầu tư I.1 vốn tự có sẽ chiếm 18% tổng vốn đầu tư trên 11 nghìn tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD), tương ứng 2.500 tỷ đồng; còn lại là vốn vay ngắn hạn và trung hạn.

Báo cáo từ Công ty cổ phần Chứng khoán TPHCM (HSC) cũng cho biết, qua trao đổi với Hoa Sen, tập đoàn cho biết sẽ không phát hành cổ phiếu mới, nguồn vốn tài trợ cho các dự án này sẽ từ phát hành trái phiếu và vay nợ ngân hàng.

Về vấn đề này, ông Vũ khẳng định rằng 500 triệu USD đầu tư cho phân kỳ I.1 đã được ngân hàng Vietinbank ký thoả thuận cam kết tài trợ vốn có sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, do vậy HSG sẽ không tính đến chuyện phát hành cổ phiếu để huy động vốn. Theo báo cáo sơ bộ, doanh thu trong năm nay của HSG đã đạt trên 1,4 nghìn tỷ đồng, dự tính năm sau sẽ trên 2 nghìn tỷ đồng và trong năm tới nữa, một khi dự án thép này đi vào vận hành thì tổng doanh thu còn cao gấp đôi.

"Nhiều đối tác đã gặp gỡ và đề nghị tôi phát hành cổ phiếu tuyệt đối nhưng tôi trả lời thẳng thắn là không, bởi nếu phát hành sẽ làm loãng của cổ đông, trong đó có tôi", ông Vũ nói thêm.

Cũng theo ông Vũ, trong năm qua HSG đã đầu tư xây dựng nhiều nhà máy sản xuất tại một số tỉnh, thành nhưng vẫn không đủ hàng bán. Ngoài ra dư nợ trung hạn lúc nào cũng ở mức 1.600 tỷ đồng, hạn mức cho vay nằm trong mức 20.000 tỷ đồng nhưng HSG sẽ không bắt cổ đông bỏ thêm tiền để đầu tư. Trong những giai đoạn đầu tư sau phân kỳ I.1, nếu tiến độ triển khai nhanh thì HĐQT sẽ tính toán đến những kênh huy động vốn khác và sẽ xin ý kiến cổ đông.

"Tôi xin nói rõ là chúng ta đừng quá lo lắng về nguồn vốn đầu tư vào dự án vì tôi đã lo xong hết rồi! Trong năm nay dự tính lợi nhuận và khấu hao đã để lại cho chúng ta hơn 2 nghìn tỷ đồng, các năm tới chắc chắn sẽ cao hơn. Như vậy sẽ đủ vốn để đầu tư nhưng chúng tôi sẽ hết sức cẩn trọng và đi vào từng chi tiết một để đạt hiệu quả cao nhất", ông Vũ cho biết.

Đăng Khải

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Thực phẩm Sao Ta (FMC): Thay đổi niên độ kế toán và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh

Thực phẩm Sao Ta quyết định đổi niên độ tài chính, theo đó năm tài chính 2016 chỉ còn 9 tháng.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán FMC) vừa họp thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2016.

Theo đó, HĐQT công ty thống nhất điều chỉnh năm tài chính 2016 chỉ còn 9 tháng từ 1/1/2016 đến 30/9/2016, đồng thời điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 tương ứng cho việc thay đổi năm tài chính.

Trước đó, ĐHCĐ thường niên đã thông qua kế hoạch kinh doanh cả năm 2016 với chỉ tiêu doanh thu 3.360 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tối thiểu 100 tỷ đồng. Dự kiến mức chia cổ tức từ 20% trở lên. Kế hoạch kinh doanh mới cho 9 tháng đầu năm 2016 của Thực phẩm Sao Ta là doanh thu dự kiến đạt 2.230 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch ban đầu; lợi nhuận trước thuế ước đạt 75 tỷ đồng.

HĐQT công ty cũng thông qua tỷ lệ chia cổ tức cho năm tài chính 2016 là 15% bằng tiền mặt.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, Thực phẩm Sao Ta đạt gần 1.182 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 53% chỉ tiêu doanh thu mới; lợi nhuận trước thuế đạt 38,7 tỷ đồng, thực hiện được 52% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Thanh Mai

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Lợi nhuận của Viettel gấp 3,7 lần VNPT, MobiFone cộng lại

Tại hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước tháng 7, 8/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 6/9, lợi nhuận của các “đại gia” viễn thông 8 tháng đầu năm lần lượt được công bố.

Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), ông Trần Mạnh Hùng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu của VNPT ước đạt hơn 83.000 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch năm. Về lợi nhuận, VNPT đã thực hiện được khoảng 66,5% kế hoạch năm, tương đương 2.838 tỷ đồng.

Với Tổng công ty Viễn thông MobiFone, ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc, cho biết, doanh thu của MobiFone trong tháng 8 đạt khoảng hơn 2.045 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng đạt xấp xỉ 24.033 tỷ đồng, hoàn thành 67% kế hoạch Bộ Thông tin và Truyền thông giao, tăng trưởng khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nam cũng cho biết, về lợi nhuận trước thuế 8 tháng đầu năm, MobiFone đạt được 3.886 tỷ đồng, tương đương khoảng 74% kế hoạch năm. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt mức 19,37% và nộp ngân sách nhà nước 3.704 tỷ đồng.

Trong khi đó, với mạng di động lớn nhất là Viettel, theo số liệu từ Phó tổng giám đốc Hoàng Sơn, tổng doanh thu của Viettel trong 8 tháng đầu năm nay đạt khoảng 144 nghìn tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 25.000 tỷ đồng.

Như vậy, lợi nhuận trước thuế của Viettel trong 8 tháng đầu năm gấp 3,7 lần lợi nhuận của Tập đoàn VNPT và MobiFone cộng lại.

Cũng liên quan đến hoạt động kinh doanh viễn thông, tại buổi họp giao ban trên, các nhà mạng đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông bỏ quy định quản lý giá sàn điện thoại quốc tế chiều về để dịch vụ này khỏi bị sụt giảm doanh thu do cạnh tranh với các dịch vụ OTT.

Theo ông Bùi Sơn Nam, từ đầu năm đến nay, lượt điện thoại quốc tế chiều về của MobiFone giảm rất nhanh, tháng 8 giảm 15% so với tháng 7, do người dùng chuyển sang dùng dịch vụ OTT gọi miễn phí.

Ông Sơn cũng cho biết các đối tác nước ngoài của MobiFone đã kêu rất nhiều về việc quản lý giá sàn điện thoại quốc tế chiều về của Việt Nam.

Trong khi đó, ông Trần Mạnh Hùng cho hay, việc kinh doanh dịch vụ quốc tế của VNPT hiện ở tình trạng cả lưu lượng chiều đi và đến đều sụt giảm. Do đó, Bộ cần xem xét lại văn bản quản lý về mức giá sàn điện thoại quốc tế được ban hành từ năm 2014 đến nay đã không còn phù hợp nữa, ông kiến nghị.

Theo Thủy Diệu

VnEconomy

Đọc tiếp »

Cởi “tấm áo hẹp” DNNN: Vinamilk thành doanh nghiệp tỷ đô

Cởi tấm áo hẹp của doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hóa đã giúp Vinamilk tăng vọt về vốn điều lệ, doanh thu, lợi nhuận. Đến nay, đây cũng là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán với khoảng 9,2 tỷ USD.

Vinamilk được nhiều chuyên gia nhìn nhận, đánh giá là điển hình về cổ phần hoá DNNN. Sau khi cởi tấm áo hẹp của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), và tròn 40 năm hình thành và phát triển, Vinamilk trở thành doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất thị trường chứng khoán với khoảng 9,2 tỷ USD (theo số liệu ngày 20/8/2016).

Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ nhiều lần khẳng định đã, đang và sẽ tập trung vào cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp Nhà nước tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Riêng trong năm 2015, đã có đến 200 doanh nghiệp được cổ phần hóa.

Thực tế cho thấy, việc cổ phần hoá đã giúp nhiều DNNN gần như "thay máu" với những kết quả kinh doanh đáng ngạc nhiên, dần khẳng định vị thế không chỉ trong nước mà còn vươn ra tầm thế giới, góp phần cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Cởi tấm áo hẹp của doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hóa đã giúp doanh nghiệp này tăng vọt về vốn điều lệ, doanh thu, lợi nhuận. Đến nay, đây cũng là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán với khoảng 9,2 tỷ USD.

Nhìn lại quá trình cổ phần hoá của doanh nghiệp này cho thấy, ngay từ những ngày đầu của thời kì đổi mới 1986, Vinamilk là doanh nghiệp đi đầu trong việc không chấp nhận liên doanh, chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Một sự khẳng định cho việc mong muốn tự chủ và giữ gìn thương hiệu Việt Nam.

Chính từ chủ trương đó mà Vinamilk đã trở thành một doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, luôn luôn tự chủ trong các hoạt động của mình. Cho đến thời kì những năm 2000, khi chính phủ ra chính sách về việc cổ phần hóa. Vinamilk lại trở thành doanh nghiệp đi đầu và mang lại hiệu quả rất lớn.

Vinamilk bắt đầu thực hiện cổ phần hóa từ tháng 12/2003, với việc sáp nhập nhà máy sữa Sài Gòn (SAIGONMILK), vốn điều lệ của Công ty lúc này đạt 1.590 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/10/2005, Nhà nước nắm tỷ lệ chi phối 60,47% cổ phần tại Vinamilk nhưng chỉ sau gần 2 tháng, con số này giảm xuống còn 50,01%. Thông qua các lần tăng vốn, cho tới hiện tại, vốn nhà nước tại đây còn 45%, không còn nắm quyền chi phối.

Sau hơn 10 năm cổ phần hoá, không chỉ trở thành công ty có vốn hoá lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, Vinamilk còn có vốn chủ sở hữu và tổng tài sản tăng trưởng gấp 10 lần. Đây cũng là doanh nghiệp hiếm hoi trên thị trường đạt tăng trưởng doanh thu mỗi năm khoảng 20% bất chấp những biến động lớn của nền kinh tế trong nước và toàn cầu. Từ mức chưa đầy 4.250 tỷ đồng năm 2004, Vinamilk thành doanh nghiệp đạt tỷ đô doanh thu vào năm 2011 và cán ngưỡng gần 1,5 tỷ đô vào năm ngoái. Sau 10 năm cổ phần hóa, doanh thu tăng 8,3 lần, đạt hơn 35 nghìn tỷ đồng năm 2014.

Bước ngoặt thoái vốn của Nhà nước và sớm lên sàn chứng khoán đã khiến Vinamilk nhanh chóng có thêm đông đảo các nhà đầu tư khác. Đặc biệt, Vinamilk cũng là một trong những số ít luôn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Trên thị trường chứng khoán, room ngoại của cổ phiếu công ty luôn trong tình trạng lấp đầy suốt nhiều năm.

Ngày 8/10/2015 vừa qua Chính phủ đã quyết định thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Vinamilk. Với con số ước tính lên đến 2,5 tỷ USD thu về cho Nhà nước ngay khi bán hết vốn còn lại tại Vinamilk hiện nay (45%), thì gần như không có doanh nghiệp nào của Việt Nam đạt nổi.

Đặc biệt trong bối cảnh ngân sách quốc gia đang rất căng thẳng thì khoản tiền này càng ý nghĩa. Việc Vinamilk hoạt động hiệu quả trong quá trình cổ phần hóa không chỉ mang lại sự phát triển cho Vinamilk mà còn đóng góp vào ngân sách nhà nước và những chính sách xã hội khác.

Đánh giá về mục tiêu cổ phần hoá, Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên từng cho biết, cổ phần hoá sẽ nâng cao tính tự chủ của các doanh nghiệp. Khi đó, các cổ đông sẽ là những người có trách nhiệm với đồng vốn của mình và sẽ có những chiến lược, quyết sách tốt, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

"DNNN đang hoạt động yếu kém rất cần tiến hành nhanh cổ phần hoá để tạo ra cơ chế thông thoáng cho HĐQT định hướng chiến lược và quản trị doanh nghiệp. Nhiều khi có những vấn đề cần phải quyết trong ngày. Việc này sẽ thực hiện ngay được ở doanh nghiệp cổ phần nhưng nếu là DNNN thì cần phải qua những quy trình xin ý kiến tốn kém thời gian, từ đó mất cơ hội trong kinh doanh", bà Liên chia sẻ.

Giới chuyên gia cũng nhìn nhận, những kết quả kinh doanh mà Vinamilk đạt được đã chứng minh cổ phần hoá sẽ là tiền đề và tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển. Kinh nghiệm từ Vinamilk không chỉ là bài học về việc xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, về quản trị tốt mà còn là niềm tin để các DNNN khác mạnh dạn đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá theo chỉ đạo của Chính phủ.

Hồng Anh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Vĩnh Hoàn khẳng định Hanjin phá sản không ảnh hưởng đến công ty

Theo thông tin từ Vĩnh Hoàn, công ty xuất hàng thông qua một số hãng tàu nước ngoài sau: Maersk Line, CMA-CGM Group, APL, COSCO Container Lines, Yang Ming Line,...

Việc hãng tàu lớn thứ 7 thế giới Hanjin đệ đơn phá sản đã tạo ra một cú sốc lên thương mại toàn cầu, do đó nó đã làm dấy lên mối lo ngại giữa những nhà đầu tư về ảnh hưởng của sự kiện này lên các công ty xuất khẩu tại Việt Nam.

Theo Vĩnh Hoàn, trong những ngày vừa qua, Bộ phận Quan hệ Nhà đầu tư cúa CTCP Vĩnh Hoàn đã nhận được nhiều cuộc gọi và email hỏi về tác động của sự việc này lên công ty.

Vĩnh Hoàn thông báo chính thức rằng hiện công ty không có bất kỳ lô hàng nào được vận chuyển thông qua Hanjin. Vì thế, việc xuất hàng và hàng hóa của công ty hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi sự việc tại Hanjin.

Cũng theo thông tin từ Vĩnh Hoàn, công ty xuất hàng thông qua một số hãng tàu nước ngoài sau: Maersk Line, CMA-CGM Group, APL, COSCO Container Lines, Yang Ming Line,...

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Thay đổi cách thức bán hàng, doanh thu 6 tháng Sabeco (mẹ) tăng vọt 3,7 lần so với cùng kỳ 2015

Dù doanh thu tăng vọt 3,7 lần nhưng lợi nhuận Sabeco đạt được chỉ là 1.972 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2015.

TCT Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) công bố báo cáo tài chính riêng 6 tháng đầu năm 2016 với doanh thu thuần đạt 14.323 tỷ đồng, tăng mạnh 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu bán thành phẩm của Sabeco với công ty con là Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn (Sabeco Trading) đã tăng mạnh từ 1.631 tỷ đồng lên 11.682 tỷ đồng. Trong khi đó, Sabeco cũng đẩy mạnh mua hàng từ các công ty con khác. Có lẽ, việc thay đổi cách thức mua hàng đã giúp doanh thu Sabeco tăng vọt trong kỳ.

Giá vốn hàng bán trong kỳ cũng tăng vọt lên 12.251 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp Sabeco chỉ còn 2.072 tỷ đồng, tăng 5 lần so với 6 tháng đầu năm 2015.

Tuy vậy, lượng cổ tức, lợi nhuận được chia của Sabeco trong 6 tháng đầu năm giảm mạnh đã kéo doanh thu tài chính của Sabeco từ mức 1.829 tỷ đồng năm trước xuống còn 679 tỷ đồng. Chi phí bán hàng thay đổi không lớn, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tiết giảm một nửa xuống còn 115 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, Sabeco đạt 1.972 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2015.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản Sabeco đạt 18.131 tỷ đồng. Trong đó, số dư tiền mặt và tương đương chiếm 8.357 tỷ đồng, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng) chiếm 1.165 tỷ đồng.

Các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Sabeco chiếm gần 4.100 tỷ đồng và công ty đã phải trích lập dự phòng 510 tỷ đồng. Trong đó, 2 khoản đầu tư vào NHTMCP Phương Đông (217 tỷ đồng) và NHTMCP Đông Á (136 tỷ đồng) đang khiến Sabeco phải trích lập dự phòng nhiều nhất với giá trị lần lượt 159 tỷ đồng và 111 tỷ đồng. Ngoài ra, Sabeco hiện còn nắm giữ 0,47% cổ phần tại Eximbank.

Hoàng Anh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Siêu dự án thép Cà Ná: Dù công nghệ của châu Âu hay Mỹ thì cũng sản xuất tại Trung Quốc

Ông Lê Phước Vũ nói có 4 tiêu chí quan trọng phải vượt qua là: an toàn môi trường,công nghệ, thiết bị tối tân rồi mới đến chi phí đầu tư.

Đại hội cổ đông bất thường của tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã kết thúc với tỷ lệ hơn 97% cổ phần thông qua kế hoạch đầu tư dự án Tỏ hợp nhà máy luyện thép Hoa Sen - Cà Ná. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG đã có cuộc trao đổi riêng với chúng tôi trưa 7/9 nhằm làm rõ thêm những vấn đề xung quanh siêu dự án này.

Công nghệ từ Trung Quốc?

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ cho rằng khi làm dự án này thì quá trình lựa chọn công nghệ là một bí mật và cuộc đấu trí đầy cam go đang diễn ra trong tập đoàn. "Giờ đây mọi thông tin trên mạng cho rằng chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ từ Trung Quốc, nhưng các công đoạn chỉ mới ở bước sơ khởi, đang chờ chào giá công nghệ và thương mại từ các nhà thầu trên thế giới. Khi nào chúng tôi công bố ký kết hợp đồng mua công nghệ, thiết bị và nội dung các hợp đồng thì khi đó mới có câu trả lời rõ ràng nhất", ông Vũ cho chúng tôi biết.

Về vấn đề dự luận đang cho rằng HSG đang mời nhiều tập đoàn công nghệ của Trung Quốc tham gia vào dự án, ông Vũ cho biết tại hội nghị xúc tiến đầu tư vài tỉnh Ninh Thuận hôm 27/8 vừa qua còn có nhiều tập đoàn sản xuất thép hàng đầu thế giới tham gia (Ý, Đức, Mỹ, Nhật Bản), tham quan trực tiếp vị trí xây dựng dự án.

"Việc có doanh nghiệp Trung Quốc đến tham quan dự án cũng là chuyện hết sức bình thường. Nhưng cuối cùng là chúng tôi ký kết hợp đồng công nghệ với ai, với công ty nào mới là vấn đề lớn. Nếu giờ nói rằng sẽ chọn công nghệ Mỹ thì họ ép giá sao làm nỗi!", ông Vũ nói thêm.

Tuy nhiên, theo ông Vũ hiện nay kể cả các tổ hợp thép của Ấn Độ, Brasil, Mỹ, Mexico... đều có xưởng chế tạo nằm ở Trung Quốc. Do vậy, khi các doanh nghiệp ký kết mua công nghệ của châu Âu hay Mỹ thì cũng có xuất xứ từ Trung Quốc. Khi đầu tư dự án này, ông Vũ nói rằng có 4 tiêu chí quan trọng phải vượt qua: an toàn môi trường, công nghệ, thiết bị tối tân rồi mới đến chi phí đầu tư.

"Chúng ta đừng vội khẳng định dự án sẽ dùng công nghệ của châu Âu, Mỹ hay Trung Quốc khi chưa đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Nhưng nếu có các công ty từ châu Âu hay Mỹ trúng thầu thì chắc chắn rằng một phần thiết bị được sản xuất tại Trung Quốc từ đúng phân xưởng chế tạo của họ đặt tại đây, theo đúng thiết kế, tiêu chuẩn công nghệ của họ. Cả thế giới đều làm như thế chứ không riêng gì chúng tôi đâu", ông Vũ mạnh mẽ nói.

Ông cũng khẳng định rằng mình sẽ đủ khôn ngoan để chọn lựa làm cái gì để đạt hiệu quả cao nhất, đạt cạnh tranh tốt nhất chứ không điên đến độ làm những viêc để dư luận lên án. Hiện tại ông phải trả cho mỗi chuyên gia tư vấn thuộc tập đoàn GMC mỗi ngày hơn 1.200 USD để nghiên cứu tính khả thi của dự án.

Dùng nước biển làm mát không quá khó

Về vấn đề nhiều chuyên gia gần đây cho rằng Ninh Thuận quá thiếu nước ngọt, việc sử dụng nước biển cho nhà máy thép này là bất khả thi, ông Vũ khẳng định đâu phải bây giờ Hoa Sen mới nghĩ đến việc dùng nước biển mà ngay cả một số nhà máy khác trong nước và thế giới từ lâu đã dùng nước biển trong sản xuất công nghiệp.

Chẳng hạn, một nhà máy luyện thép tại Hàn Quốc có công suất hơn 20 triệu tấn/năm cũng đang sử dụng 100% nước biển để làm mát; nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân cũng đang sử dụng nước biển khoảng 190m3/giờ; một nhà máy thép khác của Hàn Quốc tại khu công nghiệp Dung Quất cũng sử dụng hầu hết nước biển làm mát...

"Theo tính toán của chúng tôi, công nghệ nước biển lọc làm mát không làm đội chi phí đầu tư nhiều, trừ khi lọc nước biển sử dụng sinh hoạt mới là vấn đề phức tạp hơn. Các nước trên thế giới đang sử dụng phổ biến thì tại sao chúng ta không làm được. Chúng tôi đang trong quá trình chọn lựa công nghệ nên chưa có con số dự toán chi phí cụ thể đầu tư cho công đoạn này. Khi nào đấu thầu lựa chọn nhà thầu mới có số liệu chính xác", ông Vũ quả quyết.

Cũng theo ông Vũ, trong giai đoạn nhạy cảm sau sự viêc của Formosa, khi bắt tay làm dự án này ông đang đưa HSG đi giữa tâm bão, tạo ra nhiều sự hoài nghi và phản ứng của một phần dư luận. Tuy nhiên, đây là cơ hội thị trường thì không thể nào chậm hơn được.

"Vấn đề quan trọng nhất là phải kiểm soát được môi trường, còn không thì bỏ dự án ngay", ông nói thêm.

Về vốn đầu tư cho toàn dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận trong giai đoạn 1, ông Vũ cho biết lợi nhuận giữ lại trong ba năm là đủ đối ứng. Trong đó năm 2016 ước khoảng 2,000 tỷ đồng, năm 2017 và 2018 ước cũng tương đương hoặc hơn số này. Việc trả lãi vay và vốn gốc vay trung hạn gần 9.000 tỷ đồng cho phân kỳ đầu tư I.1 vừa được đại hội cổ động thông qua không có gì là quá khó với HSG.

Ngoài việc Ngân hàng Vietinbank đã cam kết tài trợ vốn 500 triệu USD cho giai đoạn 1, đến nay còn có hơn 10 ngân hàng khác đặt vấn đề muốn tham gia tài trợ vốn cho dự án.

Nguyên Minh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

11 doanh nghiệp trúng thầu nhập khẩu đường

Trong số 22 doanh nghiệp tham gia đấu giá, có 11 doanh nghiệp đã trúng thầu trong phiên đấu giá giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường năm 2016.

Sáng 7-9, Bộ Công Thương đã tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường năm 2016.

Trong đó, chủng loại, số lượng đường bao gồm: Quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 40.000 tấn đường thô (mã HS 1701); quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 45.000 tấn đường tinh luyện (mã HS 1701).

Với giá khởi điểm được đưa ra đối với đường thô là 1.000.000 đồng/tấn và đường tinh luyện là 1.000.000 đồng/tấn. Bước giá được đưa ra là 10.000 đồng/tấn.

Theo bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến 17h ngày 6-9, có 25 hồ sơ tham gia đấu gia, trong đó có 9 hồ sơ đấu giá đường thô (nhưng 1 hồ sơ xin rút) và đường tinh luyện có 16 hồ sơ của các thương nhân trực tiếp tham gia sản xuất.

Tuy nhiên, sau khi đối chiếu với các quy định, chỉ có 22 hồ sơ hợp lệ, trong đó đường thô có 8 hồ sơ thương nhân hợp lệ và 14 hồ sơ thương nhân hợp lệ đối với đường tinh luyện.

Kết quả của phiên đấu giá này theo công bố của Hội đồng đấu thầu như sau. Đối với đường thô (số lượng 40.000 tấn), có 3 công ty trúng thầu, cụ thể: Công ty CP Đường Biên Hòa số lượng trúng 14.444 tấn; Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh trúng thầu 14.444 tấn. Công ty Đường Khánh Hòa trúng 11.110 tấn.

Đối với mặt hàng đường tinh luyện (số lượng 45.000 tấn), có 8 đơn vị trúng thầu, cụ thể: Công ty TNHH URC Việt Nam trúng 4.000 tấn; Công ty TNHH Puratos Grandplace Việt Nam trúng 2.000 tấn.

Ngoài ra, công ty Perfetti Van Melle trúng 6.000 tấn; Công ty Nước giải khát Coca Cola Việt Nam trúng 4.000 tấn; Công ty TNHH Nestle Việt Nam trúng 9.000 tấn, Công ty CP Sữa Vinamilk trúng 16.000 tấn; Công ty CP Dược phẩm Sanofi Synthelabo Việt Nam trúng 1.000 tấn và Công ty Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên (nhà máy càfe Saafi Gòn) trúng 3.000 tấn.

Như vậy, sau nhiều năm sử dụng phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thì đây là lần đầu tiên Bộ Công Thương chuyển sang phương thức đấu giá.

Theo Phan Thu

Báo hải quan

Đọc tiếp »