Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Hoàng Anh Gia Lai vẫn đứng thứ 16 danh sách thương hiệu giá trị nhất Việt Nam

Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đã được Brand Finance công bố được ghi nhận đạt 7,26 tỷ USD. Trong đó, đứng đầu là Vinamilk, kế đến là Viettel, PetroVietnam, MobiFone...

Đó là thông tin được Brand Finance đưa ra khi chính thức công bố Danh sách Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2016.

Đây là năm thứ 2 Brand Finance – Công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới phối hợp với Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand công bố danh sách này tại Việt Nam, ghi nhận những sự phát triển và tăng trưởng của các thương hiệu dẫn đầu Việt Nam.

Ông Samir Dixit – Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Năm 2016 ghi dấu những tiến bộ vượt bậc của các doanh nghiệp Việt. Rất nhiều cứ bứt phá ngoạn mục trên bảng xếp hạng cho thấy nhận thức của các doanh nghiệp Việt về giá trị thương hiệu nói riêng và giá trị vô hình nói chung đang ngày càng phát triển.

Góp mặt trong Top 50 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam phần lớn là những cái tên quen thuộc như Vinamilk, Viettel Telecom, Mobifone, Vinhomes, FPT, Bảo Việt…

Trong đó, Vinamilk tiếp tục duy trì vị trí thương hiệu mạnh nhất Việt Nam, tuy nhiên, giá trị thương hiệu của hãng sữa này đã giảm 11% so với năm ngoái, chỉ còn 1,13 tỷ USD.

Đứng thứ 2 là Viettel với giá trị thương hiệu đạt 973 triệu USD, tăng 68%. PetroVietnam đạt 564 triệu USD, đứng thứ 3 và thứ 4 là Mobifone, đạt 539 triệu USD, tăng trưởng tới 76%.

Có 12 cái tên mới gia nhập danh sách, trong đó Sabeco vừa gia nhập Top 50 thương hiệu mạnh Việt Nam đã leo lên vị trí thứ 6. Những cái tên mới khác gồm Vietnam Airlines, Ô tô Trường Hải, VinCommerce, Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh…

Bất ngờ trong danh sách này là cái tên Hoàng Anh Gia lai vẫn duy trì vị trí thứ 16, với giá trị thương hiệu đạt 101 triệu USD.

Tổng toàn bộ giá trị thương hiệu của Top 50 Việt tăng 39% trong một năm, tập trung ở những thương hiệu hàng đầu. Theo Brand Finance, tốc độ tăng trưởng trung bình của từng thương hiệu trong Top 50 là 20%, vượt xa các công ty thuộc các nước trong khối ASEAN vốn có tốc độ tăng trưởng ổn định hoặc âm.

Tại Singapore, tốc độ tăng trưởng giá trị trung bình của Top 50 thương hiệu mạnh nhất chỉ ở mức 1%. Mức độ tăng trưởng này ở Malaysia là -6%, và ở Indonesia là -10%. Theo ông Samir Dixit, có sự thay đổi trong bảng xếp hạng có có nhiều thương hiệu hoạt động kinh doanh tốt hơn, đồng thời đơn vị này cũng thu thập được nhiều hơn thông tin từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn nhận về tầm quan trọng của thương hiệu với doanh nghiệp Việt Nam, ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty tư vấn Thương hiệu Mibrand – Đại diện của Brand Finance tại Việt Nam đánh giá: “Trước đây và cả hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa ý thức được đầy đủ giá trị tài sản vô hình là thương hiệu và đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội trong quá trình mua bán sáp nhập, khi mà giá trị thương hiệu chưa được tính toán đầy đủ vào giá trị thương vụ".

Trong khi đó, ông Samir thì đưa ra cảnh báo, giá trị thương hiệu được nâng lên nhưng đừng nên ngủ quên trên chiến thắng, đừng quá tự tin vào kết quả này. Vì 12 thương hiệu nằm trong Top 50 năm ngoái đã bị thay thế bởi đối thủ. Các đối thủ rất mạnh và có thể khiến doanh nghiệp rời khỏi bảng xếp hạng”.

Đây là bảng xếp hạng duy nhất có phương pháp định giá thương hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn của ISO (ISO 10668 về tiêu chuẩn định giá), giá trị thương hiệu do Brand Finance công bố được phép sử dụng với cơ quan thuế, kiểm toán và sử dụng trong các cuộc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Do đó, chứng nhận của Brand Finance dành cho các thương hiệu trong Top 50 mang rất nhiều giá trị thiết thực.

C. An

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Sabeco xin niêm yết trên sàn HOSE

Trên cơ sở xem xét các tiêu chuẩn niêm yết đối với doanh nghiệp, quy mô, uy tín và mức độ thanh khoản và sự quan tâm của giới đầu tư giữa 2 sở giao dịch chứng khoán, Sabeco đã lựa chọn Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) để niêm yết.

Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa chính thức có công văn gửi lên Bộ Công Thương đề xuất chấp thuận việc Sabeco thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE thời gian tới.

Theo công văn này, căn cứ theo các quy định hiện hành thì Sabeco đã đủ điều kiện và cần thực hiện niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán. Trên cơ sở xem xét các tiêu chuẩn niêm yết đối với doanh nghiệp, quy mô, uy tín và mức độ thanh khoản và sự quan tâm của giới đầu tư giữa 2 sở giao dịch chứng khoán, Sabeco đã lựa chọn sàn HOSE để niêm yết.

Về thời gian niêm yết, Sabeco cho biết sẽ chủ động thực hiện làm việc với các đơn vị tư vấn niêm yết và thoả thuận về mặt nguyên tắc. Được biết, hiện Sabeco đang thực hiện thương thảo, và dự kiến sẽ kí hợp đồng tư vấn niêm yết với Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng trước ngày 20/9.

“Căn cứ quy định về niêm yết theo Quy chế niêm yết tại HOSE và kết quả làm việc sơ bộ với đơn vị Tư vấn niêm yết thì quy trình và việc triển khai các công việc cần thiết để niêm yết cổ phiếu ước tính sẽ mất 2 tháng tính đến thời điểm được phê duyệt và cấp giấy phép niêm yết”, Sabeco cho biết thêm.

Trước đó, trong một văn bản phản hồi về những kiến nghị của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), Bộ Công Thương từng cho biết theo Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước SCIC, Sabeco không thuộc đối tượng phải chuyển giao sang SCIC sau khi cổ phần hoá.

Về việc niêm yết trên sàn chứng khoán, Bộ Công Thương cũng nhận thấy việc chậm xin phép Chính phủ cho Sabeco niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán là chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Thời gian tới, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ xem xét cho Sabeco được niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán HOSE.

Cuộc làm việc mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch và đảm bảo lợi ích nhất cho nhà nước.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi tiến hành bán cổ phần tại các doanh nghiệp, phải đấu giá cạnh tranh, không phân biệt đối tác trong nước và nước ngoài, giá trị quyền sử dụng đất tính riêng. Đồng thời, có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia sau khi bán vốn nhà nước.

Theo dự kiến, việc bán 89,59% vốn nhà nước tại Sabeco có giá trị khoảng 1,8 tỷ USD sẽ được chia bán trong 2 đợt vào năm 2016 và 2017. Sabeco đang chiếm lĩnh hơn 45% thị phần bia với các thương hiệu như bia 333 hay bia Sài Sòn.

Theo Nguyễn Thảo

BizLIVE

Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Đạm Ninh Bình lỗ lớn, Vinachem đề xuất chuyển 2.700 tỷ nợ vay thành vốn góp

Vinachem đề nghị khoanh khoản vay của Dự án cải tạo – mở rộng nhà máy Phân đạm Hà Bắc tại Ngân hàng phát triển Việt Nam với dư nợ tính đến 29/02/2016 là 3.957 tỷ đồng trong thời gian 5 năm.

Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa có một loạt đề nghị đối với Bộ Công thương để kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ những giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh doanh của các công ty mà Vinachem quản lý.

Một trong số đó là đề nghị cho phép chuyển nợ vay tại Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) cho dự án nhà máy đạm Ninh Bình thành vốn đầu tư của Nhà nước tại tập đoàn, với số tiền là 2.708 tỷ đồng. Đây là số dư nợ gốc đến thời điểm 29/02/2016 tại VDB, bao gồm 2.669 tỷ đồng tiền VND và 1,7 triệu USD.

Trong trường hợp không được chuyển nợ thành vốn góp, Vinachem đề nghị cho phép khoanh nợ khoản vay tại VDB trong thời gian 5 năm (từ 2016 đến 2020), không trả nợ gốc và không tính lãi phát sinh trong 5 năm.

Vinachem cũng có đề nghị như vậy với khoản nợ vay của DA nhà máy Đạm Ninh Bình tại Ngân hàng Eximbank Trung Quốc.

Tiếp tục xin "cứu", Vinachem đề nghị khoanh khoản vay của Dự án cải tạo – mở rộng nhà máy Phân đạm Hà Bắc tại Ngân hàng phát triển Việt Nam với dư nợ tính đến 29/02/2016 là 3.957 tỷ đồng trong thời gian 5 năm.

Về lãi suất, Vinachem cũng đề nghị cho phép điều chỉnh giảm lãi suất đối với toàn bộ dư nợ gốc vay tại VDB cho DA Đạm Ninh Bình (371,74 tỷ đồng) và Dự án cải tạo – mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc (3.044 tỷ đồng) có lãi suất trên 8,55%/năm về mức 8,55%. Riêng công ty Đạm hà Bắc được giãn trích khấu hao 50% cho năm 2016, 2017 và 30% cho năm 2018.

Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, từ khi đi vào hoạt động đến hết tháng 6/2016, Đạm Ninh Bình đã lỗ tổng cộng gần 2.700 tỷ, còn nợ tính đến cuối 2015 là hơn 8.300 tỷ đồng. "Người anh em" Đạm Hà Bắc cũng là một gương mặt thua lỗ nặng. Riêng trong năm 2015, doanh nghiệp này lỗ 665 tỷ đồng.

Mai Linh

Theo Trí thức trẻ/Vinachem

Đọc tiếp »

Bầu Đức: Lên kế hoạch bán 20.000 ha cao su thu về 8.000 tỷ

Bầu Đức cho biết để giảm áp lực nợ vay, tập đoàn đang tính đến việc sẽ bán đi 20.000 ha cao su tại Lào và hiện đã có một số đối tác Trung Quốc quan tâm, tìm hiểu.

Tại ĐHCĐ năm 2016 của HAGL và HAGL Agrico diễn ra vào ngày 15/9/2016, vấn đề được nhà đầu tư quan tâm nhất chính là tái cơ cấu nợ của HAGL. Tính tới 30/6/2016, tổng nợ phải trả của HAGL đã lên tới 33.000 tỷ đồng, tương đương 65% tổng tài sản Tập đoàn.

HAGL cho biết tập đoàn sẽ tiếp tục làm việc với các chủ nợ để đạt được mục đích cơ cấu lại thời hạn trả nợ bằng cách đưa lãi suất về mức hợp lý; giãn thời hạn trả nợ gốc và lãi vay. Cùng với việc xin gia hạn, HAGL cũng cân nhắc thanh lý một số tài sản trong bối cảnh nợ cao như hiện nay để tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi, hiệu quả.

Lên kế hoạch bán 20.000 ha cao su tại Lào cho đối tác Trung Quốc, thu về 8.000 tỷ đồng

Theo ông Đoàn Nguyên Đức – chủ tịch HĐQT HAGL thì tập đoàn đang cân nhắc để năm 2017 sẽ giải quyết nợ một cách cơ bản. Bầu Đức cho biết để giảm áp lực nợ vay, tập đoàn đang tính đến việc sẽ bán đi 20.000 ha cao su tại Lào và hiện đã có một số đối tác Trung Quốc quan tâm, tìm hiểu. Cũng theo Bầu Đức, nếu bán đi diện tích đất cao su này thì số tiền HAGL thu về là tối thiểu 8.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, vị chủ tịch HAGL cũng cho rằng đây chỉ là một tình huống giải pháp nếu HAGL không được sự hỗ trợ của Chính phủ và ngân hàng trong vấn đề cơ cấu nợ vay.

“HAGL Agrico đang cân nhắc để năm 2017 sẽ giải quyết nợ một cách cơ bản và tập đoàn cũng đang chờ phương án tái cấu trúc của Chính phủ và ngân hàng. Hai trường hợp có thể xảy ra, nếu Nhà nước hỗ trợ HAGL tái cấu trúc thì cơ bản Tập đoàn không phải bán gì. Còn nếu có trục trặc sẽ bán 20.000 ha cao su, chúng tôi đã gặp nhiều đối tác Trung Quốc xem xét, nghiên cứu", ông Đức thông tin tại đại hội.

Bán mía đường cho Thành Thành Công, có khả năng bỏ bò sữa, chỉ làm bò thịt

Bầu Đức cho biết, HAGL đã lên kế hoạch bán đi mảng mía đường, một số dự án thủy điện tại Lào, phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược nhằm mục đích giảm nợ. Ước tính, HAGL sẽ thu về khoảng 6.000 tỷ đồng từ những phương án trên.

Theo Bầu Đức, HAGL hiện đang thương lượng bán mảng mía đường cho tập đoàn Thành Thành Công. Còn về thủy điện, mặc dù đây là ngành kinh doanh tốt, mang về dòng tiền ổn định nhưng do Tập đoàn dùng tiền vay nợ để thực hiện dự án nên sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh HAGL đang nợ “ngập đầu” như hiện nay.

Ngoài ra, mảng bò sữa nhiều khả năng cũng không còn nằm trong kế hoạch dài hạn của HAGL bởi hiệu quả không quá cao. Trong khi đó, đầu tư bò sữa khá dài hạn mà tập đoàn đang có kế hoạch tái cấu trúc, thu hẹp các khoản đầu tư.

Theo kế hoạch, mảng nông nghiệp của HAGL thời gian tới sẽ chỉ còn tập trung vào 3 trụ cột chính là dầu cọ, cao su và bò thịt.

Hoàng Anh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Ban lãnh đạo chủ chốt của FPT quá già so với các công ty, tập đoàn công nghệ Việt

Dù có chủ trương trẻ hóa nhưng Hội đồng quản trị của FPT toàn những người già với độ tuổi trung bình lên tới gần 60, cao hơn rất nhiều so với độ tuổi trung bình của bộ máy lãnh đạo trong các công ty, tập đoàn công nghệ Việt.

Bài hát “Time to say googbye” (tạm dịch: Đã đến lúc nói lời chia tay) được trình diễn trong hội diễn văn nghệ tập đoàn FPT nhân kỷ niệm 28 năm thành lập đang thu hút nhiều sự chú ý sau khi xuất hiện trên Internet. Nội dung bài hát thúc giục ông Trương Gia Bình về hưu ở tuổi 60, nhường vị trí lãnh đạo cho những người trẻ hơn. Không đơn thuần là ca khúc giải trí, bài hát còn phản ánh một thực trạng trong bộ máy lãnh đạo tối cao toàn những người “quá già” của Tập đoàn FPT.

Trong Hội đồng quản trị của FPT, ba nhân vật chủ chốt, quyết định toàn bộ chiến lược của FPT đều đã 59, 60 tuổi. Độ tuổi trung bình của các thành viên Hội đồng quản trị FPT là 58,2 trong khi mũi nhọn phát triển của tập đoàn là công nghệ, lĩnh vực rất cần đóng góp của người trẻ tuổi.

Đối với Ban giám đốc của Tập đoàn FPT, độ tuổi trung bình của Tổng giám đốc và các Phó tổng là 50,6. Trong đó người trẻ nhất là ông Nguyễn Thế Phương 39 tuổi. Năm 2010, FPT có Tổng giám đốc 40 tuổi, ông Trương Đình Anh. Nhiều người kỳ vọng ông Trương Đình Anh sẽ tạo ra làn gió mới cho FPT nhưng chỉ 18 tháng sau, vị Tổng giám đốc này đã rời bỏ HĐQT công ty vì “không thể thống nhất được ý chí của FPT”.

Trong khi FPT đang ngày càng già nua, tập đoàn này vẫn phải đương đầu với sự cạnh tranh từ các công ty, tập đoàn công nghệ khác với bộ máy lãnh đạo trẻ hơn rất nhiều, trong đó có Công ty VNG. Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh sinh năm 1977. Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc thường trực kiêm thành viên HĐQT - Vương Quang Khải sinh năm 1979. Đây cũng là 2 nhân sự quan trọng nhất của VNG.

So với các lãnh đạo chủ chốt tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), độ tuổi của lãnh đạo FPT cũng cao hơn rất nhiều dù một bên là tập đoàn tư nhân và một bên là Nhà nước. Cụ thể, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel, sinh năm 1962 trong khi CEO FPT Bùi Quang Ngọc sinh năm 1956. Ông Hùng được cơ cấu vào vị trí Tổng giám đốc Viettel nhiều năm trước khi đảm trách vị trí này năm 2013.

Tại Viettel, ba nhân sự được đưa vào diện quy hoạch cho vị trí Tổng giám đốc và nắm 3 mảng kinh doanh chủ chốt của tập đoàn này, cũng có độ tuổi trẻ hơn rất nhiều so với FPT. Phó TGĐ Nguyễn Đình Chiến sinh năm 1969; Phó TGĐ Đỗ Minh Phương sinh năm 1969 và Phó TGĐ Tào Đức Thắng sinh năm 1973.

So sánh với thế giới, bộ máy lãnh đạo của FPT càng thể hiện rõ sự già nua. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Facebook, Mark Zuckerberg, sinh năm 1984 trong khi Tổng giám đốc của Google là Sundar Pichai, sinh năm 1972. Người già có kinh nghiệm nhưng lĩnh vực công nghệ cần lãnh đạo trẻ để tạo ra đột phá, nhất là trong bối cảnh lĩnh vực này phát triển liên tục không ngừng nghỉ.

Linh Anh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Đá Spilit (SPI): Ông Nguyễn Đại Quyền từ chức Chủ tịch HĐQT

HĐQT của Đá Spilit đã chấp thuận đơn từ chức Chủ tịch HĐQT công ty của ông Nguyễn Đại Quyền.

CTCP Đá Spilit (mã chứng khoán SPI) vừa công bố thông tin bất thường. Theo đó, HĐQT công ty đã chấp nhận đơn từ chức Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Đại Quyền từ 12/9/2016. Ông Nguyễn Đại Quyền vẫn giữ tư cách Thành viên HĐQT. Ông Nguyễn Đại Quyền được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT đá Spilit từ tháng 2/2015.

HĐQT cũng thống nhất bổ nhiệm ông Đoàn Quốc Khánh, Thành viên HĐQT, lên làm Chủ tịch HĐQT từ 12/9/2016.

Thời gian miễn nhiệm và bổ nhiệm chính thức được tính khi có quyết định chấp thuận của ĐHCĐ thường niên sớm nhất.

Ngay trước khi có quyết định từ chức, ông Nguyễn Đại Quyền đã bán hết 1,06 triệu cổ phiếu SPI đang nắm giữ kể cả khi cổ phiếu SPI đang lao dốc, giảm 70% giá trị kể từ đầu năm. Không chỉ có ông Quyền, mà ông Đoàn Quốc Khánh, người vừa được bầu lên thay thế ông Quyền làm Chủ tịch HĐQT, cũng vừa bán ra 2 triệu cổ phiếu SPI trong cùng thời gian với ông Quyền để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Trước đó nữa, ông Khánh đã bán đi 1,4 triệu cổ phiếu dù SPI đã giảm sàn 6 phiên liên tiếp ở thời điểm đó.

Cổ phiếu SPI từng được xem là “cổ phiếu điên nhất” trong 5 tháng đầu năm 2016. Khi tăng một mạch từ 2.000 đồng lên 13.100 đồng/cổ phiếu. Và lại sắp lấy thêm được danh hiệu khác nữa khi chỉ trong mấy tháng ngắn ngủi đã lại giảm xuống mức 3.600 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Thái Phương

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Vietjet hoãn kế hoạch IPO tại nước ngoài

Hãng hàng không giá rẻ Vietjet cho biết những vấn đề xung quanh việc phát hành cổ phiếu ở nước ngoài khiến IPO của hãng không diễn ra theo đúng kế hoạch.

Theo tờ Financial Times, Vietjet đã hoãn kế hoạch IPO ở Singapore hoặc Hồng Kông bởi những vấn đề liên quan tới thủ tục pháp lý. Vietjet là công ty đầu tiên của Việt Nam lập kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở thị trường nước ngoài và một trong hai thị trường chứng khoán lớn nhất khu vực đã được chọn.

Phát biểu trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hồng Kông, nơi Vietjet vừa mở đường bay quốc tế, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành kiêm người sở hữu phần lớn cổ phần của Vietjet, cho biết: “Việc niêm yết ở trị trường nước ngoài chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Không chỉ chúng tôi mà các nhà tư vấn cũng không thể lường hết lượng công việc giấy tờ khổng lồ phải xử lý và hoàn chỉnh để phục vụ dự án này”.

Trước đó, CEO Vietjet muốn cổ phiếu của hãng được niêm yết tại thị trường nước ngoài trong quý 2 năm nay. Tuy nhiên, luật pháp Việt Nam quy định Vietjet phải IPO trên các sàn trong nước trước khi bước chân ra các thị trường quốc tế. Bà Thảo cũng tin tưởng IPO của Vietjet sẽ thu hút đông đảo nhà đầu tư Việt Nam, nền kinh tế đang phát triển nhanh với nhu cầu ngày càng cao.

Thông qua việc đưa việc đi lại bằng đường hàng không tới gần với tầng lớp trung lưu ở Việt Nam, bà Thảo kỳ vọng sẽ đạt được thành công của Tony Fernandes, nhà sáng lập AirAsia ở Malaysia hay Rusdi Kirana, người sáng lập Lion Air ở Indonesia. Trong năm ngoái, Vietjet chuyên chở 9,3 triệu hành khách và hy vọng sẽ tăng lên 15 triệu người trong năm nay thông qua việc mở thêm đường bay và tăng cường phi cơ.

Vietjet chỉ sở hữu một chiếc máy bay duy nhất. Trong năm nay, hãng đã đặt mua 100 chiếc Boeing 737 và 20 chiếc Airbus A321 để thay thế cho đội máy bay đi thuê đang hoạt động. Theo kế hoạch, Vietjet sẽ nhận trung bình 10 máy bay mới mỗi năm.

Linh Anh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »