Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Thiên Long (TLG) đặt mục tiêu 265 tỷ đồng LNST năm 2017, trình phương án phát hành cổ phiếu thưởng và ESOP

HĐQT Thiên Long cũng dự kiến trình ĐHCĐ thông qua việc nới room ngoại từ 49% hiện nay lên 100%.

CTCP Tập đoàn Thiên Long (mã chứng khoán TLG) sẽ tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2017 vào 16/5 tới đây.

Kết quả kinh doanh năm 2016

Năm 2016 Tập đoàn Thiên Long đạt 2.162 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 240 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với năm trước đó và vượt 12% chỉ tiêu lợi nhuận mà ĐHCĐ giao phó.

Với kết quả đó, HĐQT công ty trình phương án phân chia lợi nhuận năm 2016 trong đó trích 28,8 tỷ đồng vào quỹ đầu tư phát triển, 28,8 tỷ đồng vào quỹ khen thưởng, phúc lợi (tương ứng 12% tổng LNST). Bên cạnh đó, còn trích 4 tỷ đồng trả thù lao HĐQT, BKS, và trích 2,5 tỷ đồng thưởng vượt kế hoạch cho HĐQT, trích 10 tỷ đồng thưởng vượt kế hoạch cho Ban điều hành và CBCNV công ty.

Còn lại, dự kiến chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 30% trên mệnh giá – tương ứng trích gần 115 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông.

Kế hoạch năm 2017

Mục tiêu năm 2017 Thiên Long phấn đấu đạt 2.450 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12% so với doanh thu đạt được năm 2016; lợi nhuận sau thuế hợp nhất khoảng 265 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2016 và dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 20%.

Nới room ngoại lên 100%

HĐQT công ty cũng trình ĐHCĐ thông qua việc nới room ngoại từ 49% hiện nay lên 100%, đồng thời điều chỉnh ngành nghề kinh doanh và sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty cho phù hợp.

Phát hành 11,5 triệu cổ phiếu thưởng tăng vốn điều lệ

HĐQT công ty cũng trình phương án phát hành gần 11,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 500 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành 10:3 (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 3 cổ phiếu mới).

Nguồn vốn phát hành ưu tiên lấy theo thứ tự từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC tại ngày 31/12/2016 đã được kiểm toán của công ty, thặng dư vốn cổ phần và quỹ đầu tư phát triển. Thời gian phát hành dự kiến trong quý 2 quý 3 năm 2017.

Tính đến 31/12/2016 trên BCTC hợp nhất đã kiểm toán của Thiên Long thể hiện còn 315 tỷ đồng lợi nhuận lũy kế sau thuế chưa phân phối, 128 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và hơn 97 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển.

Phát hành cổ phiếu ESOP cho CBCNV được lựa chọn với giá 30.000 đồng/cổ phiếu

Bên cạnh đó, Thiên Long cũng dự kiến phát hành 2,4 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động với tỷ lệ phát hành tối đa 5%. Giá chào bán 30.000 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành này khoảng 72 tỷ đồng sẽ được bổ sung vào vốn lưu động công ty. Số cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Hiện cổ phiếu TLG đang giao dịch quanh vùng giá 105.000 đồng/cổ phiếu.

Xem thêm tài liệu ĐHCĐ

Thái Phương

Theo Trí thức trẻ/TLG

Đọc tiếp »

Vì sao Anphat Mineral “chào sàn” sau 7 năm hoạt động?

Sau 7 năm xuất hiện trên thị trường, CTCP Nhựa và Khoáng sản An Phát - Yên Bái (Anphat Mineral) đang hoàn thành các thủ tục cuối cùng để chào sàn chứng khoán trong năm nay. Đâu là thế mạnh để Anphat Mineral tự tin bước vào một “sân chơi” chuyên nghiệp hơn?

Anphat Mineral là công ty thành viên của CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (mã chứng khoán: AAA), Anphat Mineral chuyên kinh doanh hạt nhựa nguyên sinh (PP, PE) và sản xuất hạt nhựa phụ gia CaCO3. Trong đó sản phẩm nổi bật là hạt nhựa phụ gia CaCo3, loại hạt được sản xuất từ bột CaCo3 trên nền nhựa nguyên sinh với mục đích tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm chi phí chất tạo màu, tăng độ chịu nhiệu, độ bền, cải thiện cơ lý tính cho sản phẩm cuối cùng.

Hiện công ty đang sản xuất và cung cấp sản phẩm với thương hiệu độc quyền TACAL, với các ứng dụng đa dạng cho PE, PP, PET, PVC, HIPS… Hạt nhựa phụ gia được ứng dụng trong các sản phẩm của ngành nhựa với mục đích giảm giá thành sản xuất, giảm chi phí chất tạo màu trắng, tăng độ chịu nhiệt, độ bền cho sản phẩm;… được dùng trong công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: bột bả, sơn;… công nghiệp sản xuất mỹ phẩm, công nghiệp sản xuất các loại giấy…

Được thành lập từ năm 2009, đến nay, Anphat Mineral đã có sự tăng trưởng ổn định với lợi nhuận tăng đều qua các năm. Theo thông tin từ Anphat Mineral, đến thời điểm 31/12/2016, doanh thu của công ty năm 2016 đạt gần 194 tỷ đồng - tăng 3% so với năm 2015 và lợi nhuận sau thuế đạt 11,6 tỷ đồng - tăng gần 80%.

Chỉ tính riêng doanh thu thị trường xuất khẩu, năm 2014 mới chỉ có 53 tỷ đồng thì đến năm 2015 đã tăng gấp đôi lên 108 tỷ đồng và đạt con số 131 tỷ đồng trong năm 2016.

Hiện tại, nhà máy sản xuất hạt phụ gia với diện tích 40.000 m2, được trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại, trị giá khoảng 90 tỷ đồng với công suất gần 40.000 tấn sản phẩm/năm đang được nâng cấp trang thiết bị máy móc để tăng công suất lên 100.000 tấn/ năm. Đồng thời, công ty chuẩn bị đưa nhà máy sản xuất bột đá siêu mịn CaCo3 – nguyên liệu đầu vào trực tiếp của hạt nhựa phụ gia, cũng như cung cấp cho hoạt động xuất khẩu ra các thị trường lớn đi vào hoạt động với công suất dự kiến đạt 220.000 tấn/năm khi chạy full công suất.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, hiện nay, các doanh nghiệp nhựa trong nước chỉ cung cấp được 20% - 30% nguồn nguyên liệu nhựa trong nước, chủ yếu là PVC, PET, PP, PE. Đối với nhựa PVC, PET, hiện có hai doanh nghiệp sản xuất với năng lực 300.000 tấn/năm. Trong khi ngành nhựa đang trong xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ thì nguồn nguyên liệu hóa thạch đang cạn kiệt. Do đó, nhu cầu pha trộn các chất độn như hạt phụ gia CaCO3 trong ngành nhựa rất lớn. Theo Anphat Mineral, nguồn nguyên liệu đá trắng CaCO3 tại Yên Bái được đánh giá là đẹp nhất Đông Nam Á, phù hợp với ứng dụng trong cách ngành nhựa và sơn...

Bởi vậy, với sản phẩm nhựa (PP, PE), Anphat Mineral không có nhiều đối thủ cạnh tranh tại thị trường nội địa. Đồng thời, Anphat Mineral định hướng đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm hạt nhựa CaCO3 và bột đá CaCO3 để xuất khẩu sang các thị trường lớn là EU, UAE, Nga, Ấn Độ... bên cạnh việc làm nguyên liệu đầu vào cho AAA.

Không chỉ không ngừng nâng cao năng lực sản xuất để góp phần giải “cơn khát” nguyên liệu cho ngành nhựa, hiện tại, Anphat Mineral đang hoàn tất các thủ tục để đầu tư mở rộng hoạt động bằng việc đẩy mạnh hoạt động 2 mảng thương mại hạt nhựa và dịch vụ vận tải trong năm nay. Ông Vũ Thanh Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Anphat Mineral, cho biết:

“Công ty tiếp tục đẩy mạnh sản xuất với việc đưa dự án Nhà máy sản xuất bột đá CaCO3 đi vào hoạt động, cũng như đẩy mạnh hoạt động thương mại hạt nhựa, dịch vụ vận tải. Hiện tại, công ty đã tích cực cải tiến máy móc, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo tăng sản lượng, giảm chi phí và tăng lợi nhuận, đồng thời, đẩy mạnh mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm và tập trung phát triển tại các thị trường lớn.”

Năm 2017, doanh thu dự kiến của Anphat Mineral lên tới 1.100 tỷ đồng - tăng gần 5 lần và lợi nhuận sau thuế là 55 tỷ đồng - tăng 375%. Với sự phát triển ổn định trong những năm gần đây, lợi nhuận liên tục tăng trưởng và nhiều tiềm năng phát triển, Anphat Mineral hứa hẹn sẽ là một lựa chọn thú vị cho các nhà đầu tư.

A.D

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Hòa Phát tiêu thụ 163.000 tấn thép trong tháng 4 - tăng 10% so với cùng kỳ

Tuy nhiên nếu so với tháng 3 thì sản lượng thép tiêu thụ giảm hơn 10%.

Theo thông tin từ CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG). Sản lượng thép xây dựng tiêu thụ trong tháng 4 đạt hơn 163.000 tấn. So với tháng 3, sản lượng thép tiêu thụ giảm hơn 10% nhưng nếu so với tháng 4/2016, thép Hòa Phát vẫn có mức tăng trưởng gần 10%. Lũy kế 4 tháng đầu năm, thép Hòa Phát đã cho ra thị trường 668.400 tấn, tương ứng đạt 33,4% kế hoạch năm 2017.

Điểm đáng lưu ý trong những tháng qua, đặc biệt ở miền Bắc, sức mua của thị trường dân dụng luôn ở mức cao so với các năm trước, do vậy sản lượng tiêu thụ vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ. Tỷ lệ bán hàng giữa khu vực dân dụng và khu vực dự án tại miền Bắc và miền Trung đang ở mức 60% - 40%.

Đối với thị trường phía Nam, 4 tháng đầu năm, chi nhánh thép Hòa Phát tại thành phố HCM đạt 66.800 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Cơ cấu sản lượng bán hàng của khu vực dân dụng cũng đang tăng lên so với những tháng cuối năm 2016. Nếu trong quý IV/2016, sản lượng tiêu thụ khu vực dân dụng chỉ chiếm khoảng 15-20%, nhưng con số này đã tăng lên xấp xỉ 30% tùy từng thời điểm.

Theo đánh giá của lãnh đạo Công ty, trong khoảng 2 tháng tới, thị trường trong nước khả năng sẽ hấp thụ thép tốt hơn do các đại lý đã dần giải phóng hết hàng tồn kho trước đây.

Về xuất khẩu, trong 4 tháng vừa qua, thép Hòa Phát đã xuất khẩu hơn 63.000 tấn thép thanh và thép cuộn sang các nước Mỹ, Canada, Úc, Campuchia, Lào.

Trong mảng thép xây dựng, Hòa Phát đang đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 1, dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất công suất 2 triệu tấn/năm, trong đó ưu tiên hạng mục nhà máy cán thép thanh, thép cuộn chất lượng cao để nâng cao khả năng cung ứng sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước ngay từ năm 2018.

Trong tháng 4 vừa qua, Hòa Phát đã liên tục chốt hợp đồng với các đối tác cung cấp dây chuyền thiết bị, khí công nghiệp hàng đầu thế giới như Danieli (Italia), Messer (Đức) và đang đàm phán với các đối tác khác nhằm mục tiêu hoàn thành lựa chọn các đối tác cung cấp thiết bị, công nghệ chính trong tháng 5/2017.

Mai Linh

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Lo số nợ 300 triệu USD, chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng “cầu cứu” Thủ tướng

Theo VIDIFI, nếu phần hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng không được bố trí vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 sẽ gây khó khăn rất lớn cho vấn đề tài chính, thậm chí phá vỡ phương án tài chính dự án.

Gửi kiến nghị tới Hội nghị giữa Thủ tướng và các doanh nghiệp sắp diễn ra trong tháng 5 này, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) kỳ vọng Chính phủ, các bộ ngành có liên quan giải quyết sớm việc tái cơ cấu các khoản vay nước ngoài của dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

VIDIFI cho biết, tổng các khoản vay nước ngoài của dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là 300 triệu USD, bao gồm 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức.

Liên quan đến khoản vay này, theo chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Bộ Tài chính đã có văn bản số 1626/BTC-QLN ngày 14/11/2016 xin ý kiến các bộ ngành liên quan về dự thảo cơ chế chuyển đổi, hỗ trợ đối với nguồn vay nước ngoài đầu tư cho dự án.

Theo đó VIDIFI chịu trách nhiệm trả nợ lãi, việc trả nợ gốc được bố trí bằng vốn ngân sách qua Bộ Giao thông vận tải được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, ngày 13/1/2017, Bộ Kế hoạch và đầu tư có ý kiến tại văn bản số 348/BKHĐT-KTĐN chưa thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính.

Bộ này cho rằng, nhiều cơ quan chủ quan trong đó có Bộ Giao thông vận tải hiện đang gặp khó khăn trong cân đối kế hoạch vốn nước ngoài… Do đó, đề xuất đưa các hợp phần được thực hiện bằng vốn vay Hàn Quốc và Đức trong dự án vào kế hoạch đầu tư công của Bộ Giao thông vận tải út có cơ sở để trí được vốn.

Do vậy hiện nay, thủ tục tái cơ cấu đối với khoản vay nước ngoài 300 triệu USD của dự án vẫn chưa được thực hiện.

Cũng theo VIDIFI, tại báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án ngày 20/1/2017, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện Quyết định số 746/QQĐ-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

“Hiện nay, các chỉ tiêu tài chính thực tế tương đối sát với dự kiến trong phương án tài chính cập nhật của dự án được Bộ Giao thông vận tải rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Riêng các khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án theo Quyết định 746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay vẫn chưa được thự hiện (bao gồm khoản hỗ trợ chi phí GPMB của dự án khoảng 4.069 tỷ đồng, tài cơ cấu các khoản vay nước ngoài 300 triệu USD)”, VIDIFI cho biết.

Theo doanh nghiệp này, nếu phần hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án không được bố trí vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 sẽ gây khó khăn rất lớn cho vấn đề tài chính, thậm chí phá vỡ phương án tài chính dự án.

Hiện nay, số thu phí từ 2 tuyến đường bình quân là 5,5 tỷ đồng/ngày, lãi vay phải trả khoảng 8 tỷ đồng/ngày, số tiền hụt là 2,5 tỷ đồng/ngày (khoảng 900 tỷ/năm), lãi vay chiếm 94% chi phí trong giai đoạn vận hành tuyến đường cao tốc.

Theo VIDIFI, do số vốn đã cho vay dự án chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng Ngân hàng Phát triển Việt Nam, nếu các khoản hỗ trợ không được cấp theo Quyết định 746/QĐ-TTg sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Ngân hàng này.

VIDIFI cho biết, là một trong những doanh nghiệp đi đầu về hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, nếu các khoản hỗ trợ của Nhà nước không được cấp kịp thời sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP mà Chính phủ đang quan tâm, chỉ đạo, đặc biệt là chủ trương thu hút doanh nghiệp vào đâif tư dự án đường cao tốc Bắc – Nam.

Dự án đã có các nhóm nhà đầu tư nước ngoài từ Ấn Độ, công ty tư vấn đầu tư từ Úc quan tâm, xúc tiến chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, nếu các hỗ trợ của Nhà nước không được thực hiện sẽ không chỉ ảnh hưởng đến dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mà còn ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hạ tầng nhà nước đang khuyến khích.

Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.587 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị hơn 30.500 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng gần 3.700 tỷ đồng, chi phí tư vấn gần 1.160 tỷ đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến là 105,5 km, tốc độ thiết kế 120 km/giờ, có 6 trạm thu phí.

Theo báo cáo của Vidifi, lưu lượng xe trên đường bình quân năm 2016 đạt 20.000-25.000 lượt xe/ngày đêm, thời điểm đầu tháng 3/2017 đạt 28.000 lượt xe/ngày đêm.

Lưu lượng tham gia giao thông trên cao tốc hiện chiếm khoảng 50% tổng lưu lượng giao thông tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Được xem là đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, dự kiến, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ mãn tải vào sau 18 năm khai thác.

Theo N.Mạnh

BizLIVE

Đọc tiếp »

Lỗ tiếp trong năm 2016, HoSE cảnh báo cổ phiếu JVC có thể bị rơi vào diện kiểm soát

LNST năm 2016 trên BCTC hợp nhất quý 4/2016 của JVC là -41,48 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/3/3017 là -1.029 tỷ đồng. Nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 vẫn là kết quả thua lỗ thì cổ phiếu JVC sẽ bị rơi vào diện kiểm soát.

Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) thông báo nguy cơ rơi vào diện kiểm soát đối với Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC).

Hồi tháng 8/2016, HoSE đã ban hành quyết định đưa cổ phiếu JVC của Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật do công ty thường xuyên vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2015 là âm 1.335 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại 31/3/2016 là -990 tỷ đồng căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2015 (niên độ tài chính từ 1/4/2015 đến 31/3/2016) thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo”.

Ngày 3/5/2017 này, HoSE đã nhận được báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất quý 4/2016 của công ty và đã công bố thông tin ra thị trường. Theo đó, LNST năm 2016 trên BCTC hợp nhất quý 4/2016 của công ty là -41,48 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/3/3017 là -1.029 tỷ đồng (Công ty nắm giữ 100% lợi ích và quyền biểu quyết tại Công ty TNHH Kyoto Medical Science và công ty có niên độ tài chính từ ngày 1/4/2016 đến 31/3/2017).

Căn cứ quy chế niêm yết hiện hành, HoSE lưu ý nhà đầu tư về nguy cơ cổ phiếu JVC của công ty sẽ bị đưa vào diện kiểm soát nếu LNST năm 2016 trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2016 của JVC là số âm.

Hải An

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »